>>> Nam Định: Xây dựng chuyển đổi số nguồn nhân lực

Từ cơ chế chính sách…

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT): Thời gian qua, Sở đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo kiến thức, kỹ năng số… cho doanh nghiệp. Trong đó, chủ động thực hiện nhiều chương trình, biện pháp tuyên truyền tới người đứng đầu các doanh nghiệp các thông tin về chuyển đổi số (CĐS), nhất là các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện CĐS.

Mới đây, trong chuỗi sự kiện tháng hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10-10), Sở TTTT đã tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về CĐS cho gần 300 đại biểu đại điện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị cũng được phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội Facebook và trang chủ trình duyệt Cốc Cốc với hơn 4.000 lượt xem trực tiếp. Qua hội nghị, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm được những vấn đề cốt lõi của Chuyển đổi số, phương hướng xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, ứng dụng các giải pháp phần mềm tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp.

Nam Định đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh - QR-Code (ảnh báo Nam Định)

Nam Định đã có 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng tem điện tử thông minh - QR-Code (ảnh báo Nam Định)

Các chương trình tuyên truyền về CĐS cho doanh nghiệp còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các đơn vị cung ứng dịch vụ nền tảng công nghệ ứng dụng CĐS, tiến tới số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Sở TT và TT còn phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin đẩy mạnh phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, Mobimoney… và thúc đẩy sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử và trong hoạt động kinh doanh bán lẻ từ các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn lớn, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nâng cao kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số và tích cực tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, các sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước (Postmart.vn và Voso.vn…). Các ngành, các địa phương cũng tăng cường huy động, tiếp cận với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS từ đa dạng các nguồn.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết: Doanh nghiệp đã được ngành chức năng hỗ trợ kết nối và nhận được hỗ trợ từ đợt 1 của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Trên cơ sở hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH Thắng Lợi đã tiếp tục thay đổi tầm nhìn, thay đổi lộ trình phát triển và quyết định đầu tư, đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ứng dụng giải pháp công nghệ IoT trong tự động hóa lò nhiệt luyện liên tục giúp từng bước “số hoá”, “thông minh hoá” các hoạt động để kiểm soát, nâng cao chất lượng quản trị và sản xuất, kinh doanh, tạo ra các giá trị, lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.

Tỉnh Nam Định tỉnh có 11.165 doanh nghiệp và 861 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tỉnh Nam Định hiện có 11.165 doanh nghiệp và 861 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (ảnh báo Nam Định)

…đến thực hiện đồng bộ các biện pháp đồng hành

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 11.165 doanh nghiệp và 861 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Hiện nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy tính kết nối mạng internet băng thông rộng qua ADSL hoặc cáp quang. Đa số các doanh nghiệp đã thích nghi với những phương án làm việc kết hợp online và offline. Trong đó, toàn tỉnh đạt 100% các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt đại đa số các doanh nghiệp đều đã sử dụng phần mềm kế toán tài chính, đây cũng là phần mềm được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất; một số doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử trong giao dịch. Các nền tảng tương tác trực tuyến miễn phí như Gmail, Facebook Messenger cũng được doanh nghiệp ưu tiên hơn để sử dụng trong quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh, giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã chú trọng tuyển dụng nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp tự xây dựng hoặc thuê xây dựng website cho mình (trong đó có tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến của các nền tảng ứng dụng mạng xã hội Zalo, facebook, Twitter) để quảng bá và nâng tầm thương hiệu đã tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH thương mại DV Toàn Hải cho biết: Sau thời gian dịch COVID-19 phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, những khó khăn của việc giao dịch mua sắm trực tiếp theo cách truyền thống đã tạo “đòn bẩy” tích cực thúc đẩy tốc độ CĐS trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đã nhanh chóng thích nghi, năng động, chủ động hơn trong hoạt động thương mại điện tử. Xu hướng kinh doanh thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử bung nở, ngày càng gia tăng sức hút với các doanh nghiệp.

Được biết, tỉnh Nam Đinh đã có trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, kinh doanh hiệu quả hơn 400 sản phẩm trên 2 sàn giao dịch thương mại điện tử  PostMart.vn, Voso.vn.

Theo Chỉ số thương mại điện tử năm 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố ngày 12-5-2022, Nam Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, trong đó xếp hạng về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng đứng thứ 9/63; xếp hạng giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đứng thứ 16/63. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan Nhà nước có chiều hướng gia tăng; bước đầu đã có chuyển biến trong việc doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo… được cung cấp trên website của các cơ quan Nhà nước, trong đó dịch vụ “khai báo thuế điện tử” được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất, tiếp đó là “dịch vụ đăng ký kinh doanh”.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo Sở TTTT, đối với không ít doanh nghiệp, hoạt động CĐS vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu thông tin về những ứng dụng công nghệ số hiện có, còn băn khoăn về mức lợi nhuận cụ thể sẽ đạt được sau đầu tư phát triển công nghệ số, cũng như e ngại thiếu kỹ năng để sử dụng công nghệ.

Xác định chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy thời gian qua tỉnh Nam Đinh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp CĐS

Xác định chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy thời gian qua tỉnh Nam Đinh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp CĐS (ảnh báo Nam Định)

Theo Sở TTTT, để hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS, các doanh nghiệp có hàm lượng ứng dụng công nghệ số cao với vai trò “dẫn dắt” trong CĐS, nhằm tạo ra thị trường và thu hút các doanh nghiệp công nghệ số. Với doanh nghiệp chưa sẵn sàng, còn loay hoay về phương hướng, lộ trình CĐS thì cần sớm chủ động tiếp cận, tham gia các chương trình hướng dẫn, định hình CĐS sẽ được tăng cường tổ chức trong thời gian tới.

Ngoài ra, còn có cả những chương trình tập huấn CĐS miễn phí, hoặc mức phí ưu đãi xuyên suốt năm về từng lĩnh vực cụ thể để doanh nghiệp lựa chọn; các chuyên gia công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ cũng chủ động cam kết hỗ trợ, giảm mức kinh phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng công nghệ để CĐS.

Bên cạnh đó, Sở TTTT cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tích cực tiếp cận, khai thác các thành quả CĐS đã đạt được, nhất là tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hành chính công đã được tỉnh cung cấp trên môi trường điện tử; đồng thời cần chủ động ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Cloud Computing, IoT, công nghệ robotic, công nghệ thực tế ảo VR… vào các hoạt động của doanh nghiệp.