>> Shark Phú chê, Shark Hưng chốt kèo 10 tỷ đồng thương hiệu trứng gà cà gai leo Sadu

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang vấp phải một bài toán nan giải: Làm sao để phân biệt được trứng gà này và trứng gà thường trên thị trường?

 Việc giúp khách hàng phân biệt được trứng gà thường và trứng gà “thảo dược” trên thị trường đang là bài toán khó với Sadu.

Việc giúp khách hàng phân biệt được trứng gà thường và trứng gà “thảo dược” trên thị trường đang là bài toán khó với Sadu.

Theo ông Phan Trung Kiên, nhà sáng lập Sadu, những con gà trong mô hình kinh doanh của công ty sẽ được cho ăn cà gai leo, một loại cây có tác dụng tốt cho gan. Đồng thời những con gà còn được ở trong môi trường mát, được nghe nhạc, ngủ trưa, v.v.. Những con gà yếu sẽ bị loại ra chứ không dùng thuốc kháng sinh để chữa bệnh.

Trứng “gà nghe nhạc”

Vì thế trứng của những con gà này, theo ông Kiên, rất thơm, không tanh, không kháng sinh, hàm lượng cholesterol thấp. Giá bán là 99.500 cho một hộp 12 quả trứng. Doanh số trong nửa năm qua là gần 2 triệu quả trứng.

Sản phẩm tuy rất mới lạ (phần nào gợi nhớ tới bò Kobe nổi tiếng) và có tiềm năng phát triển, nhưng khi lên gọi vốn tại chương trình Shark Tank, Sadu gặp ngay một câu hỏi cốt yếu và chưa trả lời được: “Làm sao để phân biệt được trứng gà thường và trứng gà “nghe nhạc” trên thị trường?”.

Nếu các điểm bán cố tình trộn lẫn sản phẩm thì người tiêu dùng không thể phát hiện được. Trong khi đó, Sadu lại không thể kiểm soát được hành vi gian lận (nếu có) của các đại lý phân phối. Nếu khách hàng bị mua phải hàng giả một lần thì họ sẽ không quan tâm đó là do công ty bán hay đại lý bán, mà chỉ đơn giản là mất niềm tin và sẽ không sử dụng sản phẩm của Sadu nữa.

Bài toán này cũng chính là vấn đề mà gạo ST25 “ngon nhất thế giới” cũng đang đau đầu và chưa có lời giải hiệu quả. Khi gạo ST25 của nhóm ông Hồ Quang Cua đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019, thì ngay lập tức xuất hiện rất nhiều hàng giả ST25. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp của ông Cua liền in hình ông lên bao bì, đồng thời gắn mã QR để xác thực hàng thật.

Thoạt nhìn giải pháp này rất hữu hiệu. Thế nhưng trên thực tế chỉ vài ngày sau, thị trường lập tức có ngay ST25 giả mới với bao bì y chang hàng thật có hình ông Cua.

Ngoài ra mã QR cũng không phát huy tác dụng được như mong đợi. Vì ở phân khúc các tiệm gạo, tạp hóa, những vùng nông thôn, thì khách hàng đa số là các bà các mẹ. Họ sẽ không quen dùng các công nghệ như mã QR. Vậy nên hàng thật cũng không có cơ hội được chứng thực. Còn việc in hình ông Cua cũng chẳng có tác dụng, vì các bên làm giả rất dễ ăn cắp mẫu mã. Trong khi đó ở phân khúc thành thị, khách trẻ, v.v. thì họ thường có thói quen mua trong siêu thị. Mà mua ở đây thì không cần mã QR cũng mua được hàng thật.

Độ mạnh thương hiệu

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, việc giả/ăn theo một thương hiệu thực phẩm nổi tiếng nào đó cũng rất phổ biến. Ngay như thịt bò Kobe nổi tiếng, với những chú bò được nghe nhạc cổ điển, được ngủ trưa, được mát-xa, cũng tràn lan hàng giả. Theo báo Forbes, gần như 100% những cửa hàng ở Mỹ mà quảng cáo bán thịt bò Kobe đều là nói dối.

Bò Kobe có thương hiệu mạnh, phân khúc rất cao cấp, sản lượng rõ ràng. Thành thử, đại đa phần người tiêu dùng có thể tự biết được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả. Thậm chí, danh sách những nơi bán bò Kobe “xịn” ở Mỹ (rất ít) cũng được truyền thông liệt kê rất chi tiết. Hàng giả tuy có làm loạn nhưng không ảnh hưởng tới thương hiệu bò Kobe

Trong khi đó, có vẻ trứng “gà nghe nhạc” của Sadu sẽ lâm vào tình trạng giống gạo ST25 hơn là bò Kobe. Đây chính là bài toán rất khó và mang tính sống còn của thương hiệu Sadu. Sadu đã gọi được 10 tỷ đồng đầu tư từ “Shark Hưng”. Hãy chờ xem họ sẽ giải bài toán này thế nào.