Xe thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Ảnh: Ngọc Thái)

Xe thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Ảnh: Ngọc Thái)

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh chuyển trạng thái đời sống, sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình dịch bệnh VOVID-19 là nhiệm vụ cần kíp.

Có thể hiểu theo nghĩa rất hẹp rằng, chúng ta không thể mãi “bế quan tỏa cảng” trong khi Việt Nam là một trong những số ít quốc gia được quốc tế khen ngợi về khả năng phòng chống dịch. Song, cũng không thể buông lỏng vì dịch bệnh chưa phải kết thúc.

Tình hình này buộc các nhà quản lý phải hết sức linh động về mặt áp dụng chính sách, đòi hỏi phải có sự chọn lựa, xem xét kỹ càng để không phải rơi vào tình huống “giết nhầm còn hơn bỏ sót”.

Câu chuyện xảy ra tại cửa khẩu Cầu Treo là một ví dụ. Ngày 18/6 Bộ Y tế đã ban hành “hướng dẫn tạm thời về công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không”.

Trong đó có quy định, đối với người điều khiển phương tiện “chỉ được chở hàng đến và hoạt động trong khu vực giao hàng ở khu vực cửa khẩu…mà không đi sâu vào nội địa”.

Hà Tĩnh, nơi có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thông sang Lào là một trong những địa phương phòng chống dịch rất tốt. Vậy nên, ngày 20/5, Chủ tịch tỉnh này là ông Trần Tiến Hưng ký văn bản 3165/UBND-VX, trong đó có đoạn “đồng ý với nội dung đề xuất của Sở Y tế về việc cho phép 1 lái xe/1 phương tiện vận chuyển hàng hóa làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo”.

Đây là quyết định quan trọng, cởi trói cho cộng đồng doanh nghiệp và nó cũng hoàn toàn hợp lý nếu xem xét tình hình dịch bệnh tại Lào. Tại nước này, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng đã bình phục từ ngày 9/6, tức là gần 30 ngày không có dịch.

Thế nhưng, ngang trái lại nằm ở những người có quyền sinh sát tại cửa khẩu Cầu Treo, họ buộc mỗi xe phải có 2 tài xế, xe nội địa đến cửa khẩu phải được thay bằng 1 tài xế người Lào (hoặc bên phía Lào) để tiếp tục dẫn hàng vào nội địa nước bạn. Bên phía Việt Nam cũng áp dụng tương tự.

Ông Phạm Hoành Sơn, Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (một công ty vận tải có tiếng tăm ở Hà Tĩnh) nói rằng: "công ty ông vẫn đang phải chạy 2 tài và đổi lái nếu muốn xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Cầu Treo".

Quy định này - về lý thuyết chẳng có gì là sai, nhưng trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ, ngành cấp tập hỗ trợ doanh nghiệp, cởi trói thủ tục để phục hồi nền kinh tế thì liệu biện pháp “thiết quân luật” là cửa khẩu Cầu Treo ban ra liệu có hợp tình hợp lý?

Nếu cơ quan chức năng cảm thấy…sợ trách nhiệm thì có thể xem cách mà tập đoàn Hoành Sơn thực hiện. Doanh nghiệp này đã có văn bản cam kết “xin một số lái xe điều khiển phương tiện chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Cầu Treo”.

Văn bản cam kết của Tập đoàn Hoành Sơn (Ảnh: nongnghiep.vn)

Văn bản cam kết của Tập đoàn Hoành Sơn (Ảnh: nongnghiep.vn)

Họ cam kết “quản lý chặt chẽ lái xe”, thực hiện đúng yêu cầu theo văn bản số 2553/QĐ-BYT của Bộ Y tế và quan trọng nhất là “nếu có sai sót công ty xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Đây là nỗ lực đáng trân trọng và ghi nhận của doanh nghiệp. Vì sao họ phải mạo hiểm đánh cược số phận của chính mình với pháp luật? Đơn giản thôi, nếu hàng ứ đọng, hoặc chi phí đội lên họ sẽ chết. Và mỗi cái chết của doanh nghiệp thì cả nền kinh tế không thể vô can!

Câu hỏi đặt ra là: Cửa khẩu Cầu Treo - phải chăng phớt lờ tiếng kêu cứu của cộng đồng doanh nghiệp, quan điểm thông thoáng của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh? Thời kỳ phòng chống dịch bằng “lệnh cấm” đã qua rồi, lúc này chúng ta cần trạng thái “bình thường mới”. Cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp cần có con mắt thiện chí với nhau tất cả vì đại cục của nền kinh tế.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, nếu phải đổi tài xế và thực hiện vô vàn các quy định cứng nhắc, doanh nghiệp có thể tăng gấp đôi chi phí, từ 18 triệu đến 30, thậm chí 36 triệu đồng/1 xe hàng!

Một lần nữa vẫn phải biết rằng, phòng chống dịch là tối quan trọng, nhưng việc phục hồi nền kinh tế cũng quan trọng không kém. Nếu thời kỳ hậu dịch, 10 doanh nghiệp còn được một vài thì liệu chúng ta có xem là thành công hay không?

Kết thúc 6 tháng năm nay, đã có 12 địa phương tăng trưởng âm, GDP toàn quốc chỉ tăng chưa tới 1%, mục tiêu hùng cường, thịnh vượng vẫn còn phía trước! Hơn thế nữa, bản đồ dịch bệnh toàn quốc là không giống nhau, nên thật phi lý nếu như tất cả phải chịu chung một mệnh lệnh!