Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách “trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” vào ngày 6/3/2021.

Lần đầu tiên cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và đại diện các doanh nghiệp, trí thức bàn về một “Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045” đã diễn ra. Cùng thời điểm này, lần đầu tiên, Việt Nam vào nhóm có chỉ số tự do kinh tế trung bình trong bảng xếp hạng của Heritage Foundation (Mỹ). Trước đó, Việt Nam được xếp vào nhóm hầu như không có tự do kinh tế.

Nền tảng phát triển

Tại bảng xếp hạng này, Việt Nam được cho là có tốc độ thăng tiến và nhanh hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Nếu như năm 2018, Việt Nam chỉ đứng thứ 141, năm 2019 vị trí 128, năm 2020 là 105 và đến năm nay là thứ hạng 90.

Tự do kinh tế cũng được cho là nền tảng phát triển, đặc biệt đối với kinh tế tư nhân. Để hướng đến tầm nhìn 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như đã nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì càng phải đẩy nhanh tốc độ tự do kinh tế nhưng phải đi kèm với phát triển bền vững.

Chính tại cuộc gặp gỡ “Việt Nam 2045” nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt thẳng vấn đề là mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau. Cụ thể, trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI… Trong đó, yêu cầu không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.

Một cuộc gặp với kỳ vọng lớn trong cải cách mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ mà như GS Nguyễn Mại nói là “có tính hướng ngoại, cởi mở rất đáng lưu ý”.

Nhìn lại chặng đường đã qua và đặc biệt nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể nói điểm nổi bật chính là cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng tốc độ cải cách cần song hành, thậm chí là phải đi trước sự phát triển của doanh nghiệp.

Hãy tiếp tục tin tưởng kinh tế tư nhân

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã có thời và cả ở hiện tại, đâu đó có những góc nhìn phiến diện, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Điều này thực sự cần thay đổi. Nhiều địa phương cứ có doanh nghiệp ngoại, bất kể quy mô, trình độ kỹ thuật thế nào cũng được đánh giá cao, trong khi các doanh nghiệp nội còn bị coi nhẹ, chưa được đánh giá đúng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, doanh nghiệp doanh nhân kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ, các Bộ ngành tạo điều kiện tốt nhất để cho khát vọng đó được nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy ở tất cả hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, để cho toàn thể “đàn chim doanh nghiệp Việt” từ các “đại bàng, sếu đầu đàn và các cánh chim khác” cùng kết thành một đàn vượt qua mọi giông bão, ấp ủ xây dựng tổ quốc vào dịp 100 năm kỉ niệm thành lập nước là quốc gia phát triển, hùng cường.

Còn ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Massan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau nhưng về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Để phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Ta không thua các nước về số lượng doanh nghiệp nhưng thua về chất lượng, thiếu những doanh nghiệp lớn mạnh. Do đó, cần nâng cao chất lượng doanh nghiệp, cần có những hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp lớn”.

“Cần dọn ổ, tạo điều kiện cho đàn 'rồng Việt' và 'đại bàng' ngoại tham gia điệu nhảy Tango chung, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đây không chỉ là vấn đề mang tính kinh tế mà còn là bản sắc, niềm tự hào của dân tộc” – ông Lộc nhấn mạnh.

Phó TGĐ Vingroup Võ Quang Huệ chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast. Ông Huệ cho rằng, kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.

Khẳng định doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “Trong thời đại ngày nay mục tiêu của doanh nghiệp nếu vẫn được định nghĩa là tốt đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu, mục tiêu của doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước… Có nhiều lời khuyên cho doanh nghiệp, đó là yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, quyết đoán, đặc biệt niềm tin tự mình chối bỏ sẽ thất bại. Niềm tin, niềm tin và niềm tin, kiên nhẫn một mục tiêu, bền bỉ chí hướng sẽ thành công” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.