Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Đó là câu trả lời đanh thép của Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông mới đây. Lời khẳng định này không chỉ làm mát lòng mát dạ dư luận, mà nó còn thể hiện đủ đầy khí chất, tinh thần tự tôn của dân tộc Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Biển Đông đã gắn liền với nền văn minh của đất nước Việt Nam. Biển Đông cũng là mái nhà của không ít dân tộc trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, nghịch lý vẫn còn tồn tại đến ngày nay là tên gọi quốc tế của Biển Đông lại là… biển Nam Trung Hoa (South China Sea), một thực trạng đang rất cần một sự thay đổi, bởi nó không chỉ đơn thuần “chỉ là tên thôi mà”.

Nhìn lại thế kỷ 16, khi bản đồ và thông tin địa lý vẫn còn hạn hẹp, thế giới không có nhiều hiểu biết về khu vực Đông Nam Á. Những nhà buôn và thủy thủ khi đó chủ yếu giao thương với triều đình phong kiến Trung Quốc và hầu như chỉ qua lại khu vực gần đảo Hải Nam, đã gọi vùng biển này là biển Nam Trung Hoa. Trải qua chiều dài lịch sử, cái tên biển Nam Trung Hoa (South China sea) đã chính thức trở thành tên gọi quốc tế của vùng biển, dù phần lớn vùng lãnh hải không thuộc về quốc gia này.

Nhưng trong bối cảnh hiện đại, khi khoa học kỹ thuật đã cho phép chúng có cái nhìn toàn diện về địa lý thế giới, những tên gọi cổ xưa đã không còn phù hợp. Cục diện địa chính trị ngày nay đã cho thấy, vùng Biển Đông là nơi tọa lạc của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, với sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích kinh tế – chính trị – xã hội.

Về lịch sử, các tài liệu văn thư cổ của Trung Quốc đã gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương, tức biển của người Giao Chỉ – tổ tiên của người Việt Nam. Biển Đông trong quá khứ còn được gọi là biển Chăm Pa. Còn về địa lý, thực chất bờ biển tiếp giáp Biển Đông của Trung Quốc chỉ kéo dài 2.800km. Trong khi đó, tổng chiều dài bờ biển của các quốc gia Đông Nam Á lên đến 130.000km, tức gấp 46 lần bờ biển Trung Quốc.

Rõ ràng, tên gọi quốc tế South China sea hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng của các quốc gia tại khu vực. Nó chỉ là một “di sản” lạc hậu của thế kỷ 16 do sự hiểu biết hạn hẹp thời bấy giờ. Đáng tiếc, dù nhận không ít chỉ trích, “di sản” méo mó này vẫn đang tồn tại, mang theo đó những hệ lụy về nhận thức và những định kiến lệch lạc. 

Như TS. Lê Hồng Hiệp từng phân tích: “Cái tên Nam Trung Hoa khiến nhiều người mặc nhiên cho rằng Trung Quốc có những đặc quyền nhất định trên vùng biển này, một nhận thức cực kỳ sai trái. Ví dụ, nếu nói biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc, vậy thì toàn bộ Ấn Độ Dương chẳng lẽ thuộc về Ấn Độ?”

Thế nhưng, dường như Trung Quốc đã vin vào cái cớ đó và vẽ ra cái gọi là đường lưỡi bò để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của mình trên Biển Đông, bất chấp sự khẳng định đó nó vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước khác.

Hải quân Việt Nam cũng hiện diện rất chững chạc, tự tin, đàng hoàng và ngày càng nhiều hơn trên Biển Đông

Ở Biển Đông, Việt Nam tự tin có cả chính nghĩa lẫn luật pháp.

Đã có một bộ phận nhỏ trong nước và hải ngoại cổ súy cho việc Việt Nam phải nghiêng hẳn về Mỹ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng tư tưởng đó là một sự sai lầm lớn trong chiến lược ngoại giao. Xin dẫn lời của tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Đừng tưởng lờ Cuba đi mà người Mỹ sẽ tốt với chúng ta. Đừng tưởng căng với Trung Quốc sẽ lấy được lòng người Mỹ. Cũng đừng tưởng đóng cửa với Mỹ thì Trung Quốc sẽ nhẹ giọng với mình. Dùng chính những bài học lịch sử trong mối quan hệ với các quốc gia khác để làm đối ngoại là cách mà Việt Nam lựa chọn”.

Nói cách khác, đừng bao giờ nghĩ rằng ngồi với người Mỹ thì không nên nhắc tới chiến tranh Việt Nam, không nhắc tới chiến thắng của dân tộc ta. Cũng như đừng bao giờ nghĩ ngồi với người Trung Quốc thì không nên nhắc đến chiến tranh Biên giới và lịch sử xâm lược của đất nước này đối với dân tộc nhỏ bé này. Có điều là chúng ta nói để những điều đó đừng lặp lại, thì sẽ tốt cho cả hai phía. Và ngay vấn đề ngày hôm nay là Biển Đông, chúng ta cũng phải lấy bài học lịch sử ấy để xem xét mà xử lý.

Điều này cũng có nghĩa, trong quan hệ quốc tế cần khiêm tốn, nhưng quan trọng hơn là tự tin. Điều gì có thể nhịn thì nhịn, nhưng nếu động vào điểm mấu chốt: Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ.

Có nhiều lý do để tự hào, tự tin về đất nước mình, nhưng lý do quan trọng nhất là dân tộc ta có lịch sử hào hùng, phải trả bằng bao nhiêu xương máu của các thế hệ đi trước. Cơ đồ hôm nay được xây đắp trên quá khứ hào hùng ấy. 

Ở thời điểm hiện tại, ngoài Biển Đông - những nơi thuộc về chủ quyền của Việt Nam, những là cờ đỏ sao vàng cũng đang hiện diện ngày càng dày đặc, thường xuyên hơn. Các đảo ở Trường Sa của chúng ta ngày càng thêm xanh, thêm đông vui, thêm điện sáng suốt đêm như những ngọn hải đăng Việt Nam ở biển xa, với cuộc sống lao động ngày càng sôi động hơn. Các dàn khoan dầu khí, các hoạt động thăm dò, nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển, các đoàn tàu du lịch, vận tải biển của thế giới bình yên đi qua Biển Đông. Các chuyến tàu dân sự, quân sự, khoa học của các nước tấp nập đến với Việt Nam

Theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thì Hải quân Việt Nam cũng hiện diện rất chững chạc, tự tin, đàng hoàng và ngày càng nhiều hơn trên Biển Đông. Năm nay chúng ta diễn tập bắn đạn thật ở các đảo Trường Sa. Trong toàn bộ vùng biển Đông Nam Á, vùng biển Việt Nam là an toàn nhất, không có cướp biển, không có buôn người và đang được Cảnh sát Biển bảo vệ rất tốt..v..v.

Dĩ nhiên, đó là những tin vui, nếu không nói đó là niềm vui lớn, vì nhân dân thật sự rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự hung hăng, đòi hỏi phi lý, bất hợp pháp của gã khổng lồ phương Bắc.  

Vì lẽ đó, chúng ta phải giữ bằng được quyền chủ quyền trên thềm lục địa 200 hải lý và làm cho tất cả các nước hiểu và tôn trọng quyết tâm sắt đá ấy. Chúng ta phải làm cho Trung Quốc và các nước khác tôn trọng, thực hiện luật pháp quốc tế khi hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

 Chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt và đã giành những chiến thắng vĩ đại. Nhưng vĩ đại hơn nữa là cách chúng ta ứng xử sau chiến tranh. Điều ấy sẽ định vị hình ảnh một Việt Nam chiến thắng văn minh và yêu hòa bình.

Hãy nhớ, ở Biển Đông, Việt Nam tự tin có cả chính nghĩa lẫn luật pháp. Đó là điểm mấu chốt, toàn cầu hóa, không phải quốc gia nào muốn làm gì thì làm, bất chấp cả đạo lý lẫn pháp lý được.