Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đưa ra kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới.

Theo dự báo, nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP năm 2018. Trong đó nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP.

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT tính bình quân, mỗi người Việt có thể gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,3 triệu đồng).

"Dữ liệu dự báo nợ công năm nay được đưa ra dựa trên kịch bản cơ sở với tăng trưởng bình quân 6,53%, tương ứng GDP danh nghĩa 5,53 triệu tỷ đồng và lạm phát dưới 4%". - Bộ KH-ĐT cho biết.

Theo đó, nếu xét trong cả giai đoạn 2018 - 2020, thì tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 sẽ cao nhất 63,92%, sau đó sẽ giảm nhẹ về 63,46% năm 2019 và 62,58% năm 2020. Các chỉ tiêu này đều nằm dưới ngưỡng trần 64% GDP Quốc hội cho phép.

Còn nếu xét về quy mô thì nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000 - 380.000 tỷ đồng. Cụ thể, nợ công sẽ tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỷ và 6,85 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách 3 năm tới sẽ lần lượt là 3,71%; 3,59% và 3,4%.

Trước đó, báo cáo đánh giá chi tiêu công của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã chỉ ra nhiều vấn đề trong chi ngân sách hiện nay. Chẳng hạn như mức chi tăng cao, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (70% tổng chi ngân sách hàng năm và thậm chí có năm lớn hơn).

Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước. WB đánh giá, chi trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đang tiệm cận ngưỡng an toàn.

Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác lãi suất cho vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ.

Đại diện WB cho rằng, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận nợ công tăng nhanh trong giai đoạn này chủ yếu do bội chi ngân sách Nhà nước còn cao. Trong khi đó Chính phủ vẫn phải huy động vốn trái phiếu cho các công trình, dự án trọng điểm. “Trong điều kiện còn thâm hụt ngân sách thì đương nhiên nợ của Chính phủ sẽ tiếp tục tăng về giá trị tuyệt đối. Nghĩa vụ trả nợ gốc do đó cũng tăng lên”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính cũng cho biết hoàn toàn đồng tình với nhận định tại báo cáo cả WB rằng mặc dù tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép song nếu xu hướng tăng nợ công tiếp tục cao như một số năm vừa qua thì Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro về tính bền vững nợ.

Nhìn nhận về thực trạng này, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, việc vay nợ là cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư công, khuyến khích phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nếu nợ công tăng quá cao vượt qua một ngưỡng nhất định thì tác động tới tăng trưởng kinh tế có thể bị đảo ngược. 

Cũng theo VEPR, nợ công làm giảm tích lũy vốn tư nhân nếu Chính phủ tăng vay nợ, đặc biệt là vay trong nước. Nguồn cung vốn trên thị trường vốn tư nhân giảm dẫn tới lãi suất tăng, đẩy chi phí đầu tư tăng và dẫn tới đầu tư tư nhân giảm. "Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới". - VEPR nhìn nhận.