Còn nhớ, dù chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và những tác động của COVID-19, bệnh dịch tả lợn Châu Phi…thì tình hình KT-XH của tỉnh Quảng Ninh trong tháng 2/2020 vẫn sáng sủa, tiếp tục duy trì ổn định trên nhiều lĩnh vực. Thậm chí sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cùng kỳ. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ổn định, sản lượng thủy sản tăng 3,1% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 19% dự toán, tăng 26% cùng kỳ. Trong đó, thu XNK đạt 22% dự toán, tăng 61%, thu nội địa đạt 18% dự toán, tăng 17% cùng kỳ.

Quảng Ninh lại có nhiều điểm sáng, đặc biệt là ngành du lịch, công nghiệp và xây dựng. Hoạt động sản xuất của ngành Than vẫn tiếp tục đóng vai trò trọng yếu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Công nhân sản xuất tại công ty Hoa Đạt Lợi

Công nhân sản xuất tại công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà)

Trước những tín hiệu tích cực đó, Quảng Ninh đã tự tin có thể vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh và giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tỉnh này tập trung vào nhiệm vụ kích cầu du lịch, duy trì môi trường du lịch an toàn, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Ngành du lịch bắt đầu cụ thể hóa các kế hoạch hành động, triển khai sớm các chương trình kích cầu du lịch, tìm kiếm thị trường mới, đưa ra giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nỗ lực tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm thu hút du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẳng định Quảng Ninh là điểm đến an toàn….

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh COVID-19, nhiều dự liệu của Quảng Ninh xem ra không thể thực hiện được. Ngành du lịch nằm chôn chân bất động, khách du lịch gần như vắng bóng, đặc biệt khi chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ có hiệu lực về cách ly xã hội. Trong 6 chỉ tiêu chính của kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 đặt ra theo Kế hoạch số 39/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 28/2/2020, đến hết quý I/2020 có tới 4/6 chỉ tiêu không đạt, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nội địa.

Thực trạng này khiến Quảng Ninh bắt buộc phải tính đến phương án điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế trong quý II thay vì chỉ một phương án giữ nguyên như cũ.

Trong 6 chỉ tiêu chính của kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 đặt ra theo Kế hoạch số 39/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 28/2/2020, đến hết quý I/2020 có tới 4/6 chỉ tiêu không đạt, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nội địa.

Trong cuộc họp với các sở ngành địa phương ngày 8/4 vừa qua, cơ quan tham mưu cho tỉnh đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản 1, Quảng Ninh vẫn phấn đấu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo Kế hoạch số 39/KH-UBND, với một số chỉ tiêu chính, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 12%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 84.074 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 48.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 37.000 tỷ đồng, thu thuế XNK đạt 11.000 tỷ đồng;… Kịch bản thứ 2 là không đạt mục tiêu tăng trưởng theo Kế hoạch số 39/KH-UBND. Ngoài hai kịch bản này, Quảng Ninh đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thêm một số kịch bản kinh tế khác để có lựa chọn sát hơn với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh điều hành cuộc họp bàn về phương án thay đổi kịch bản tăng trưởng kinh tế

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh điều hành cuộc họp bàn về phương án điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020

Tuy nhiên, để xây dựng một kịch bản kinh tế chính xác cho năm 2020 cũng như cho từng quý, không chỉ Quảng Ninh mà cả nước phải phụ thuộc rất lớn vào việc dự báo, nhận định thời điểm nào, phạm vi nào thì dịch bệnh COVID-19 kết thúc. Từ đó các ngành, lĩnh vực mới các thể xây dựng các phương án để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế đưa ra. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Cục Thống kê được yêu cầu phải phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Trong đó, phải lượng hóa chính xác số liệu sụt giảm từ các ngành, lĩnh vực để có giải pháp bù đắp từ các dư địa của các ngành, lĩnh vực khác. Ngành than, điện và một số doanh nghiệp lớn đã hoạt động, doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ cần xác định được các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, cũng như đóng góp về nguồn thu ngân sách Nhà nước của các ngành, đơn vị này.

 Tại cuộc họp bàn về các phương án thay đổi kịch bản tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, ngoài việc tiếp  tục thực hiện công tác phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 thì Quảng Ninh sẽ cần tăng cường tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là ngành Than, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất nhập khẩu. Quảng Ninh cần thúc đẩy tiến độ đầu tư và mở rộng các dự án sản xuất động lực, sớm đi vào hoạt động một số nhà máy công nghiệp chế biến, chế tạo; tìm kiếm giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa; giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản địa phương. Đồng thời tính toán và thu hồi triệt để một số khoản thu phát sinh năm 2020.

Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu cần quan tâm giải quyết các thủ tục hành chính khi xem xét, tham gia, phê duyệt các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách. Xây dựng danh mục các dự án có thể hoàn thiện thủ tục và khởi công ngay trong năm 2020, để hỗ trợ tối đa các dự án. Bên cạnh đó, thời gian này Quảng Ninh cũng cần quyết liệt tập trung cho công tác đền bù GPMB các dự án trên địa bàn.

Các sở, ngành sẽ phải khẩn trương rà soát, tham mưu cho tỉnh phương án giải quyết nhanh nhất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương về thủ tục đấu giá, đấu thầu, thực hiện các dự án. Trong đó, ưu tiên phát triển các dự án phát triển dịch vụ, sản xuất.

Với những nỗ lực của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh và sự đồng lòng chung sức của các doanh nghiệp trong tỉnh, hy vọng bức tranh kinh tế của Quảng Ninh sẽ bớt đi phần nào sự ảm đạm, ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài chưa có hồi kết…