Các ngân hàng, fintech đều đã nhận thấy sức nóng của fintech ngoại. Ảnh: Shutterstock

Các ngân hàng, fintech đều đã nhận thấy sức nóng của fintech ngoại. Ảnh: Shutterstock

Fintech và xu hướng “lên đời” ngân hàng số

Việc Grab đang bắt tay với Tập đoàn viễn thông Singtel của Singapore xin giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng số và sắp được Singapore chấp thuận đang đặt ra rất nhiều đồn đoán về chiến lược của doanh nghiệp này tại thị trường Việt Nam. Trên thực tế, ví điện tử Grab by Moca của Grab đã nhanh chóng sở hữu triệu khách hàng và rất có tiềm năng để mở rộng thành ngân hàng số nếu được cấp phép.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Claude Spiese, chuyên gia tư vấn công nghệ số Công ty GrantThornton cho rằng, fintech trở thành ngân hàng số độc lập đang trở thành xu hướng ngày càng rõ nét. Tại nhiều quốc gia, khu vực châu Á như Hồng Kông, Singapore, Malaysia, fintech thường bắt tay với các tập đoàn tài chính lớn hoặc công ty viễn thông để hình thành ngân hàng số.

Trước Grab, cách đây 5 năm, tại Trung Quốc, Tập đoàn Tencent và Alibaba đã được cấp phép thành lập ngân hàng ảo là Webank và Mybank. Tại châu Âu, fintech đình đám N26 cũng được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng số ở rất nhiều quốc gia. Điểm chung của các ngân hàng ảo này là không có chi nhánh, phê duyệt cực nhanh qua mạng, nhắm đến vay tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm lĩnh thị phần rất nhanh chóng…

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Group cho rằng, việc Grab hoặc bất kỳ ví điện tử nào được cấp phép thành lập ngân hàng độc lập ở Việt Nam là rất khó. Song chúng ta cần phải nghiên cứu, nếu Grab hoặc bất kỳ ví điện tử nào khác được cấp phép thành lập ngân hàng số ở nước ngoài, sau đó theo các thỏa thuận hợp tác quốc tế mở cửa để mở chi nhánh, hoặc ngân hàng 100% vốn ở Việt Nam thì chúng ta có cản được hay không?

“Theo thông tin tôi được biết, một số doanh nghiệp nước ngoài đang nghiên cứu về vấn đề này, các cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu kỹ, không để thị trường tài chính trong nước vào tay nước ngoài”, ông Bình khuyến nghị.

Lãnh đạo một số ví điện tử cũng lo ngại, với xu hướng được cấp phép thành ngân hàng độc lập, ngày càng nhiều fintech ngoại sẽ vươn vòi thâm nhập thị trường Việt Nam dưới nhiều hình thức. Điều này sẽ đe dọa rất lớn đến không chỉ các fintech non trẻ trong nước, mà cả các ngân hàng có dày dạn kinh nghiệm.

Thị trường rộng mở, cạnh tranh gay gắt

Rất trùng hợp, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc một ví điện tử và Chủ tịch HĐQT một ngân hàng đều cho hay, cả hai đơn vị này đều đã nhiều lần đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hợp tác với một ngân hàng ảo của Trung Quốc để cung cấp dịch vụ cho người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, công tác, học tập… và ngược lại, song chưa được chấp thuận. Điều này cho thấy, các ngân hàng, fintech đều đã nhận thấy sức nóng của fintech ngoại.

Theo ông Claude Spiese, Việt Nam có thể tự hào vì trình độ số hóa của các ngân hàng khá tốt, công nghệ không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Tuy  nhiên, điều này không có nghĩa các ngân hàng Việt Nam có thể lơ là dè chừng các đối thủ, nhất là các fintech sừng sỏ đến từ nước ngoài.

Trên thực tế, dù số hóa mạnh mẽ, song ngân hàng đang ngày càng mất đi vị thế đặc biệt của mình. Ngày càng nhiều fintech trong và ngoài nước được cấp phép gia nhập thị trường, các quy định cũng ngày càng mở hơn, cho phép các fintech cung cấp thêm nhiều dịch vụ tài chính - ngân hàng. Theo đó, ngoài thanh toán, 2 lĩnh vực trước đây hầu như do ngân hàng “độc canh” là tín dụng và huy động tiền gửi sẽ ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ: P2P, gọi vốn cộng đồng… Mobile Money tương lai cũng có thể tham gia sân chơi này.

Việc fintech ngoại âm thầm vào Việt Nam dưới hình thức các ứng dụng gọi xe, giao hàng, giao thức ăn…, sau đó lấn sân dần sang thị trường tài chính không còn là chuyện lạ. Năm 2018, một fintech ngoại đã đưa ra dịch vụ cho vay tiền với tài xế, bị NHNN xử phạt hàng trăm triệu đồng. Chuyện này có thể còn tái diễn cùng với làn sóng fintech ngoại đổ vào Việt Nam - nơi đang bắt đầu bùng nổ thanh toán không tiền mặt.

Hiện nay, Hồng Kông đã cấp 10 chứng chỉ ngân hàng độc lập cho các fintech, con số này ở Singapore là 4 và ở Malaysia là 3. Tôi nghĩ, một ngày nào đó, xu hướng này sẽ được cập nhật tại Việt Nam.

Tất nhiên, chỉ riêng fintech sẽ khó có đủ sức mạnh để thành lập một ngân hàng độc lập, mà có thể liên kết với doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp vận chuyển… Hoặc sau một thời gian hoạt động đủ tốt, các fintech sẽ được ngân hàng mua lại và vận hành như một chi nhánh số hoặc một công ty vệ tinh của ngân hàng.

Một vấn đề nữa là ở Việt Nam hiện chưa thấy tình trạng các ngân hàng đóng cửa chi nhánh sau khi phát triển mạnh ngân hàng số như một số quốc gia khác, có lẽ bởi thị phần ngân hàng Việt Nam vẫn liên tục mở rộng.

Ông Claude Spiese, Chuyên gia tư vấn công nghệ số Công ty GrantThornton