Quý 1/2021, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30% như ACB, Vietcombank,…ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng.
 
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI Research cho biết, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này. Tiếp đó, Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng. Nợ xấu MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm: VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank. Có thể nói, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất, đột ngột giảm từ 1.883 tỷ đồng xuống còn 560 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ngân hàng đã bán xong số cổ phiếu STB của Sacombank – là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm khách hàng đã được ghi nhận vào nợ nhóm 5 vào cuối năm 2019. 
 
Mặc dù các ngân hàng đã công bố những kết quả khả quan về tăng trưởng lợi nhuận của năm 2021 của ngành, tuy nhiên theo các chuyên gia, các ngân hàng cũng rất “nặng gánh” với vấn đề nợ xấu.
Toàn cảnh nợ xấu quí 1/2021 của các Ngân hàng

Toàn cảnh nợ xấu quí 1/2021 của các Ngân hàng

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, với nợ xấu gộp khoảng 4-5% cuối năm 2020, dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5-6% đến cuối năm 2021. Nếu trong năm 2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng TMCP Nhà nước tăng mạnh so với khối ngân hàng tư nhân.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tính đến 16/4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hiện nay TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Như vậy, việc kiểm soát nợ xấu thời gian tới sẽ khó khăn thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng và nhất là khối Ngân hàng TMCP Nhà nước trong năm 2021. Trước thực tế khối nợ xấu tiếp tục xu hướng “phình to” trong năm 2021, để kiểm soát rủi ro nợ xấu, ông Hiếu khuyến nghị, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu.

Theo ông Hiếu, đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các NH phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay. Do vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn…