>>> Tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số

Phát biểu tại sự kiện "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" diễn ra sáng ngày 1/12/2021, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, một trong những định hướng ưu tiên của NHNN là triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; và một trong các chính sách quan trọng đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng (ảnh: SBV)

Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, Đề án, quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: (i) hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; (ii) thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này; (iii) xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt và được mở rộng kết nối đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của dịch COVID-19.

Phó Thống đốc cũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; đặc biệt, thanh toán qua kênh QRcode tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

>>> Đến 2025, 50% nghiệp vụ ngân hàng sẽ trên kênh số

Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.

Đáng chú ý nhất là mới đây NHNN cũng đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 03 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Theo ghi nhận của DĐDN, được biết, sau một thời gian ngắn được NHNN chính thức cho phép thí điểm triển khai Mobile Money, đến hiện tại, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đã chính thức công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money trên cả nước. Thuận lợi của Mobile Money khi các chủ thuê bao của nhà mạng dù không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng thuê bao của VinaPhone như để nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ... được cho dễ dàng thu hút người dùng trải nghiệm việc miễn phí việc nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán qua Mobile Money. Với mạng lưới điểm kinh doanh gồm hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh, ngay cả các nơi vùng sâu, vùng xa, nông thôn, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nhất cũng sẽ dễ tiếp cận sử dụng dịch vụ. Do đó đến 29-11, chỉ sau 3 ngày triển khai Mobile Money, đã có hơn 10.000 thuê bao đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ này, cho thấy tín hiệu tích cực ban đầu từ kênh thanh toán không tiền mặt mới.

Với MobiFone, tập đoàn này cho hướng đi triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc. Sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua các đối tác, đại lý.

Ngay trong hôm nay, Viettel cũng đã chính thức công bố triển khai Mobile Money, gia nhập cuộc đua góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Theo đó, dịch vụ Mobile Money được giới chuyên môn đánh giá sẽ là điểm sáng lớn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt phù hợp với nhà nông, với người nông dân vẫn còn xa  vùng "phủ sóng" của các ngân hàng. 

VNPT giới thiệu người dùng về Mobile Money với định danh

VNPT giới thiệu người dùng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với định danh "Ngân hàng số di động" (ảnh: VNPT)

Cũng tại sự kiện, Phó Thống đốc nhắc lại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg, trong đó đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm;…

Để đạt được mục tiêu nêu trên, ông cho biết NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.... Trong đó, đáng lưu ý bên cạnh việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; NHNN sẽ sớm Trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn. 

Giải pháp về phối hợp thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng cũng được chú trọng. 

Truyền thông cũng là công tác được Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho là khâu hết sức quan trọng khi theo ông, trong vài năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống; Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có các giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan.

Muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp. Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn”, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.