Theo NHNN, sau khi ban hành được 5 năm, Thông tư số 39/2013/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 37/2018/TT-NHNN cho phù hợp với thực tế vận hành.

Ngân hàng Nhà nước dự định rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước dự định rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro.

Về cơ bản, Thông tư số 39/2013/TT-NHNN và Thông tư số 37/2018/TT-NHNN đã tạo lập được một cơ chế đầy đủ, cụ thể trong việc trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của NHNN; là cơ sở để xử lý các khoản tổn thất phát sinh trong quá trình hoạt động của NHNN (rủi ro phát sinh từ hoạt động tín dụng, rủi ro phát sinh từ nghiệp vụ thanh toán, ngân quỹ và các khoản tổn thất từ hoạt động khác…) tuân thủ theo cơ chế tài chính của NHNN được quy định tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thông tư 39 cũng còn một số hạn chế, bất cập như chưa quy định cụ thể nội dung: các khoản phải thu khác; chưa có quy định về trình tự xử lý các khoản tổn thất đang theo dõi ngoại bảng... Vì vậy, NHNN cho rằng, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 là cần thiết.

Nổi bật nhất, NHNN định rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn và mức độ rủi ro của nghiệp vụ này theo ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 16956/BTC-TCNH ngày 6/12/2013.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 6 về các khoản tái cấp vốn được phân loại theo mức độ rủi ro tăng dần như sau:

Nhóm 1: Các khoản tái cấp vốn trong hạn (bao gồm cả các sản phẩm tái cấp vốn được gia hạn tự động theo quy định của NHNN); các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh dưới 6 tháng;

Nhóm 2: Các khoản tái cấp vốn đã quá hạn dưới 6 tháng; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 6 tháng đến dưới 1 năm; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn;

Nhóm 3: Các khoản tái cấp vốn đã quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 1 năm đến dưới 3 năm; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần thứ 2 còn trong hạn; các khoản tái cấp vốn đã được gia hạn nợ lần đầu và quá hạn dưới 6 tháng;

Nhóm 4: Các khoản tái cấp vốn đã quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 3 năm đến dưới 5 năm; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần thứ 3 còn trong hạn; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần đầu và quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần thứ 2 và quá hạn dưới 6 tháng;

Nhóm 5: Các khoản tái cấp vốn hạn đã quá hạn từ 2 năm trở lên; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 5 năm trở lên; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần thứ 4 trở lên; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần đầu và quá hạn trên 1 năm; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần thứ 2 và quá hạn trên 6 tháng; các khoản nợ được khoanh.