Xét trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói riêng, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã và đang gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất FMCG và các nhà bán lẻ, tuy nhiên không phải ngành hàng nào, nhà bán lẻ nào cũng đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. 

Ảm đạm mùa COVID-19

Bà Huỳnh Minh Băng Nga – Chuyên viên đào tạo cấp cao của "ông lớn" trong ngành phân phối của thế giới DSKH, thì chỉ trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe như các loại nước tẩy rửa, khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn là đắt hàng, còn lại đều trong tình trạng ế ẩm nghiêm trọng.

"Như tất cả các doanh nghiệp, trước đó chúng tôi cũng không dự đoán được việc dịch bệnh Corona sẽ xảy ra và nghiêm trọng như tình trạng hiện tại. Chúng tôi thường đặt hàng cho nhà sản xuất trước 4 tháng, tức là lượng hàng sản xuất cho 3 tháng đầu năm, như mọi năm chúng tôi đã nhận đủ.

Dịch COVID-19 đã bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động kinh doanh của các

Dịch COVID-19 đã bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành bán lẻ.

Mọi năm, khoảng đầu năm, chúng tôi bán được rất nhiều mặt hàng về F&B như các loại bánh kẹo, nhưng năm nay doanh số bán hàng ở các siêu thị và các cửa hàng bách hóa giảm tới ½. Hiện ngành hàng F&B của chúng tôi đang bị treo, tồn kho còn rất nhiều. Chúng tôi hiện có khoảng 3.000 sales cho ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG phủ khắp cả nước và lượng đặt hàng của các nhà cung cấp qua họ cũng giảm rất nhiều", bà Băng Nga kể.

Cũng theo quan sát của bà Nga, hiện tại, chỉ mỗi ngành hàng chăm sóc sức khỏe, phục vụ trực tiếp cho mùa dịch là ăn nên làm ra. Chất tẩy rửa và các loại nước rửa tay sát khuẩn hiện bán rất chạy. Về khẩu trang y tế, trước đó tới nhà thuốc mua khoảng 1.000 đến 2.000 đồng/cái, giờ đã tăng lên 10.000 đến 20.000 đồng/cái; còn các loại khẩu trang dùng được nhiều lần, siêu thị cũng chỉ cho mỗi người mua 5 cái. Về khẩu trang 3M, trước đây DSKH chỉ phân phối đặc biệt cho các bệnh viện với mức giá khoảng 45.000 đồng/cái, nay được bán ra ngoài với mức giá 100.000 đồng/cái.

Tuy nhiên, thật ra thì siêu thị và các cửa hàng vẫn là những đơn vị ít thiệt hại nhất trong ngành bán lẻ, đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành du lịch mới phải gánh chịu hậu quả đau thương nhất. Đơn cử như doanh nghiệp bán lẻ hoạt động chủ yếu ở các khu bán hàng miễn thuế, như ở sân bay quốc tế, cửa khẩu hoặc casino; đối tượng khách hàng nhắm tới chính là khách du lịch trong và ngoài nước.

"Chúng tôi cũng là một nạn nhân của dịch Covid-19, nhưng thiệt hại của chúng tôi vẫn chưa nghiêm trọng bằng một doanh nghiệp bán lẻ xin được giấu tên. Mỗi tháng, chúng tôi bán cho đơn vị này khoảng vài tỷ đồng chocolate và ca cao, 1 quý tức khoảng 3 tháng tôi lại đi thăm các cửa hàng của đối tác 1 lần. Trong lần gặp gỡ mới đây, tôi được bác doanh nghiệp này vừa cho nghỉ khoảng 80% nhân viên bán hàng, do mỗi ngày các cửa hàng của họ tại sân bay chỉ tiếp khoảng 8 đến 9 khách du lịch quốc tế", ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao cho biết.

Hiện tại, hàng của Việt Nam Cacao tại siêu thị cũng đứng lại, những hoạt động như giới thiệu sản phẩm tại siêu thị trước đây như mời thử chocolate cũng không thể thực hiện, do người ta ngại sờ hoặc chạm vào nhiều thứ khác nhau. Nhà phân phối thì không muốn tiếp xúc với các nhân viên sales do sợ bị lây virus, mà thường các nhân sales phải chấm công tại nhà phân phối, nên họ đã không thể chấm công được.

Doanh nghiệp ứng phó ra sao?

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành bán lẻ. Số liệu mới công bố của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy tháng 2/2020, "nữ hoàng trang sức" này ghi nhận tăng trưởng chỉ 7% về doanh thu (đạt 1.978 tỷ đồng) và chỉ 2% về lợi nhuận sau thuế (đạt 177 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo PNJ nhận định năm 2020 là một năm thách thức hơn nữa đối với nền kinh tế Việt Nam khi tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 được dự báo sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Do đó năm nay, PNJ đặt mục tiêu "cân đối hài hòa giữa tăng trưởng trong ngắn hạn với việc "Nhấn nút tái tạo" lại chính mình để chuẩn bị các nền tảng mới vững chắc giúp cho PNJ phát triển bền vững - tăng trưởng vững chắc trong dài hạn.

Theo đó, PNJ cho biết sẽ phát triển thị trường theo chiều sâu, tập trung tái cơ cấu danh mục sản phẩm và tăng tốc cho các mảng kinh doanh mới.

Trước PNJ, một "ông lớn" ngành bán lẻ khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng đã công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.541 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và lợi nhuận sau thuế đạt 845 tỷ đồng (tăng trưởng 16%) so với cùng kỳ năm 2019.

Để đối phó với diễn biến khó đoán định của dịch Covid-19, ban lãnh đạo MWG cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh (bao gồm online); cùng với đó, tập trung bán các sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch nhằm gia tăng doanh thu.

Đặc biệt, MWG cho hay sẽ "lấy khó khăn làm cơ hội đẩy thị phần khi các chuỗi nhỏ hoạt động không hiệu quả".

Để giảm chi phí, MWG sẽ đàm phán giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh đối với tất cả các chuỗi, đồng thời thực hiện các biện pháp để tăng năng suất lao động, hạn chế tuyển dụng mới cho tới khi tình hình dịch bệnh rõ ràng hơn, rà soát hoạt động vận hành tại cửa hàng và văn phòng để tiết giảm chi phí và chuẩn bị các kịch bản cần thiết để đối phó với từng cấp độ diễn tiến của dịch bệnh

Từ đầu tháng 2 đến nay, MWG đã chủ động chậm lại kế hoạch mở rộng (chỉ mở các cửa hàng Bách hóa Xanh đã chuẩn bị mặt bằng và nhân sự từ trước) để theo dõi ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nhu cầu mua sắm các loại sản phẩm của khách hàng và xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.

"Cho đến thời điểm giữa tháng 3, tình hình kinh doanh không có nhiều đột biến so với cùng kỳ. Nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến trầm trọng hơn và không kéo dài quá lâu, MWG kỳ vọng tổng doanh thu các tháng tới đây vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước", ban lãnh đạo MWG nêu quan điểm.

Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, người tiêu dùng cũng đã chủ động tìm đến các kênh thanh toán trực tuyến nhằm giảm nguy cơ lây, truyền cho bản thân và cộng đồng.

Điều này theo các chuyên gia, việc khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa phòng chống dịch bệnh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp bán lẻ cũng phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng này.

Theo bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần VinID, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, riêng tính năng Scan&Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị Vinmart, Vinmart+) của ví điện tử VinID đã ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 15 lần so với lúc cao điểm trước đó, tỷ lệ mua sắm trực tuyến cũng tăng gấp 3 lần so với bình thường.

Đại diện ứng dụng này cũng cho hay, VinID khuyến khích khách hàng, khu mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị nên sử dụng hình thức thanh toán quét mã trên ví điện tử để hạn chế tiếp xúc tối đa. Đây cũng là hình thức thanh toán đang rất phổ biến trên thế giới và đã được VinID phát triển để thân thiện và dễ sử dụng với người Việt.

Ngoài tiện ích trong mua sắm, những ứng dụng trực tuyến còn là trợ thủ đắc lực cho người dùng trong nhiều hoạt động thanh toán thường ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO của Hoàng Linh Group, doanh nghiệp chuyên về tư vấn khởi nghiệp, thì ngoài xem xét các thiệt hại của bản thân trong mùa đại dịch, các doanh nghiệp bán lẻ cần nhìn xa hơn, xem mình sẽ ‘nhặt’ được cơ hội gì sau mùa Covid-19 kết thúc. Ông cùng Hoàng Linh Group đã góp phần gầy dựng thương hiệu trà sữa và cà phê khá thành công tên Meet & More – chuyên cà phê có hương vị trái cây.

"Cũng như các nhà bán lẻ khác, doanh số của Meet & More sụt giảm sâu ở thị trường nội địa, khi người dân đang ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà ít quan tâm đến chuyện ăn uống. Doanh số của Meet & More sụt giảm nhiều nhất là ở các địa điểm như sân bay và cửa khẩu. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu vẫn ổn định – hiện sản phẩm của Meet & More đang xuất khẩu sang 6 nước khác nhau.

Tôi dự đoán, sau dịch bệnh, người ta sẽ ‘khát’ những sản phẩm F&B chất lượng cao, nên chúng ta phải chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để có thể nắm bắt cơ hội. Mặc dù dịch đang bùng phát tại Hàn Quốc, nhưng vừa qua, có một công ty lớn ở nước này vẫn qua Việt Nam tìm nguồn hàng cà phê tốt và chúng tôi vừa ký một hợp đồng lớn với họ, sẽ xuất hàng qua Hàn Quốc vào tháng 4 này", ông Nguyễn Ngọc Luận tiết lộ.