>> Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp hàng không vượt khó

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, ngành du lịch đánh giá rất cao sự đồng hành và “trợ lực” từ doanh nghiệp và từ ngòi bút của truyền thông báo chí.

- Trong tiến trình phục hồi và phát triển du lịch, ông nhìn nhận và đánh giá ra sao về sự đồng hành của truyền thông báo chí, thưa ông?

Càng đứng trước khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam càng nỗ lực chủ động thích ứng, phát huy nội lực và khôi phục hoạt động trong tình hình mới. Trước bối cảnh ấy, ngành du lịch đánh giá rất cao sự đồng hành và “trợ lực” từ doanh nghiệp và từ ngòi bút của truyền thông báo chí. Báo chí đã giúp tác động tới nhiều đối tượng, vấn đề khác nhau, hỗ trợ ngành du lịch có thể nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Đối với Tổng cục Du lịch cũng như các cơ quan quản lý có thẩm quyền khác, báo chí có tác động rất lớn đối với việc đưa ra những chính sách kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn và những chính sách đó có tác dụng ngay lập tức để khôi phục hoạt động du lịch. Đồng thời, báo chí hỗ trợ các công tác truyền thông xúc tiến, quảng bá du lịch của từng địa phương và Việt Nam nói chung, từ đó thúc đẩy việc thu hút khách du lịch.

Nhân dịp 21/6, thay mặt Tổng cục Du lịch, xin gửi lời chúc mừng, cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị báo chí, truyền thông, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành du lịch.

Trước thời điểm mở cửa, Việt Nam còn tồn đọng rất nhiều “nút thắt” về các hạn chế trong chính sách nhập cảnh... Với sự chung tay của báo chí nói chung và Diễn đàn Doanh nghiệp nói riêng, ngành du lịch đã từng bước “gỡ nút thắt”, mở cửa hoàn toàn và thực sự bắt đầu phục hồi sẵn sàng cho chặng đường mới.

- Nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành, thưa ông?

>> Truyền thông "sát cánh" cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội

Doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò quan trọng của ngành Du lịch nhất là trong bối cảnh Du lịch phục hồi giai đoạn hậu COVID-19. Doanh nghiệp lữ hành là “cầu nối’’ khách du lịch với điểm đến, luôn nắm bắt nhanh nhất các nhu cầu, xu hướng mới của thị trường để có phương án kinh doanh phù hợp, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, ứng dụng nhanh nhất công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động tiếp thị, kinh doanh du lịch.

 Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022

Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022

Với việc dẫn dắt, thúc đẩy phục hồi du lịch, các doanh nghiệp đã và đang làm được rất nhiều điều. Thứ nhất, đó là tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khu điểm du lịch làm thay đổi diện mạo du lịch cả nước. Thứ hai, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách du lịch.

Có thể nói, doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Doanh nghiệp lữ hành đã chứng tỏ vai trò nòng cốt của ngành Du lịch, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.

- Ở vai trò cơ quan quản lý, Tổng cục Du lịch có chính sách ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động làm trong ngành du lịch?

Tổng cục Du lịch đã và đang tiếp tục kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện có, như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp trong việc định hướng phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch và trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn lực du lịch.

Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dành kinh phí cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, Quỹ cho phép hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.

- Xin cảm ơn ông!