Theo Bộ Tài chính, nếu cơ quan thuế được quyền điều tra, thì việc giải quyết các vụ án liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế sẽ được xử lý nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo sự công bằng đối với người nộp thuế.

p/Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ cho phép cơ quan thuế được khởi tố vụ án trốn thuế mà không phụ thuộc toàn bộ vào Công an như trước đây. (Doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung, Quảng Bình bị khởi tố vì trốn thuế. Ảnh:p/S.T)

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ cho phép cơ quan thuế được khởi tố vụ án trốn thuế mà không phụ thuộc toàn bộ vào Công an như trước đây. (Doanh nghiệp tư nhân Hiếu Trung, Quảng Bình bị khởi tố vì trốn thuế. Ảnh: S.T)

Điều tra thuế chỉ mang tính chất hành chính

Bộ Tài chính nêu ra 4 luận điểm cho thấy sự cần thiết phải trao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Thứ nhất, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều tra của cơ quan thuế thực chất là việc bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Thứ hai, ở Việt Nam, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp. Thứ ba, việc điều tra thuế phải có nghiệp vụ riêng, vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Thứ tư, điều tra thuế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, chỉ điều tra khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều tổ chức, cá nhân với nhau; nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc.

Điều tra thuế mang tính chất điều tra hành chính chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu để khởi tố. Ủng hộ đề xuất này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, trên thế giới có một số nước thực hiện giao chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan thuế, chẳng hạn như Nhật Bản đã rất thành công trong việc quản lý thuế, xử lý các vi phạm pháp luật về thuế. Mỗi ngành có một chức năng chuyên môn riêng và thuế là một lĩnh vực khá phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn cao.

Nhiều bộ ngành “lăn tăn”

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan chủ trì soạn cần làm rõ mối quan hệ bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của các Bộ liên quan và cơ quan tư pháp trước khi đề nghị bổ sung chính sách.

Việc đề nghị giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của luật tố tụng hình sự, Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần phải có đánh giá về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế. Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can của cơ quan thuế, công chức thuế thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể.
Đồng quan điểm, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, việc bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra cho cơ quan thuế, công chức thuế vào dự thảo Luật sẽ có tác động tới nguồn nhân lực, tài chính và sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, Ban soạn thảo phải có đánh giá tác động cụ thể và chi tiết hơn.

Về phần mình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại, hiện cơ quan thuế đang chịu trách nhiệm quản lý thu thuế, thanh tra thuế, nếu bổ sung thêm chức năng điều tra có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.