Thực trạng này đang xảy ra ở rất nhiều công trình dự án sử dụng vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách nằm trong chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Nghệ An đang gây lãng phí tiền tỷ Nhà nước.

Xây dựng dở dang rồi “đắp chiếu”

Năm 2016, Bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi để cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho 60ha cây chanh leo trên địa bàn với nguồn kinh phí bố trí hơn 2 tỷ đồng.

Hơn 20 hộ dân đồng bào dân tộc Thái, Mông…ở đây vui mừng vì từ năm 2017, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giải quyết vấn đề cấp bách thiếu nước triền miên nhưng chỉ ít ngày sau, công trình đã bị hư hỏng một số hạng mục dẫn nước rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu” từ đó đến nay.

Mặc dù đã được sửa chữa, khắc phục nhưng công trình này vẫn không thể phát huy tác dụng như kỳ vọng. Vì vậy, “mục tiêu kép” của công trình thuỷ lợi ở bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai là vừa có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa có nước sử dụng sinh hoạt đã không thành hiện thực.

Mùa nắng nóng, khô hạn hàng năm xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9, hàng chục hộ dân ở bản Thăm Thẩm vẫn phải tự đi tìm nguồn nước để sinh hoạt còn nguồn nước để phục vụ sản xuất đành phải phó mặc cho…trời.

Đáng quan tâm, tại biên bản lập ngày 09/3/2019 về việc xác nhận hết thời gian bảo hành công trình này, các đơn vị liên quan vẫn khẳng định “công trình vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật”?

Trao đổi với báo chí, ông La Văn Thái Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tương Dương thông tin rằng, sau khi có kiến nghị của người dân, ngành chức năng đã thành lập tổ công tác để trực tiếp kiểm tra và xác định sự cố vỡ đường ống dẫn nước từ trên núi xuống vùng canh tác và nơi ở của người dân là có thật.

Trước đó, vào ngày 07/4/2021 Ban quản lý dự án huyện Tương Dương đã đi kiểm tra vị trí hư hỏng ở công trình thuỷ lợi tại bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai. Tuy nhiên, hiện nay việc khắc phục sự cố này vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Sau vài ngày hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng công trình thuỷ lợi ở bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương đã sớm

Sau vài ngày hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng công trình thuỷ lợi ở bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương đã sớm "trùm mền" nhiều năm nay vì hư hỏng, không thể vận hành

Sự việc công trình thuỷ lợi sử dụng tiền tỷ của Nhà nước được xây dựng tại bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương sớm rơi vào cảnh dang dở, lãng phí chỉ là một trong hàng loạt các dự án được triển khai xây dựng nằm trong chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tồn tại gần 10 năm nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thậm chí, có những công trình nước sạch được bố trí nguồn vốn hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng như: Nhà máy nước Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu), Nhà máy nước Diễn Quảng (huyện Diễn Châu), Nhà máy nước Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên), nhà máy nước xã Liên Thành, Nhà máy nước xã Minh Thành (huyện Yên Thành)…

Đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 2011-2015, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn, toàn tỉnh Nghệ An có 14 công trình cấp nước sạch được triển khai xây dựng ở bốn huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu, với tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng. Sau khi có kế hoạch này, Nghệ An cũng đốc thúc các huyện, thị triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công nhằm sớm giúp người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nước sạch sinh hoạt.

Vậy nhưng, sau nhiều năm khởi công, hàng loạt các công trình đều rơi vào trạng thái “chết yểu” vì thiếu vốn đầu tư, khối lượng thực hiện thấp, chủ đầu tư chưa huy động được nguồn vốn đối ứng để thực hiện. Nhiều nhà thầu cũng sớm “bỏ của chạy lấy người” vì khối lượng thi công vượt nhưng chủ đầu tư không bố trí giải ngân kịp thời.

Đơn cử, Dự án Nhà máy nước xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu được chấp thuận, triển khai đầu tư  19,107 tỷ đồng vào tháng 10/2011 do UBND xã Diễn Quảng làm chủ đầu tư, quy mô đầu tư là cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 1.041 hộ dân của xã này.

Tình trạng xây dựng dang dở vì thiếu vốn rồi bỏ hoang hoá là tình trạng đang xảy ra ở rất nhiều xã ở tỉnh Nghệ An trong thời gian qua

Tình trạng xây dựng dang dở vì thiếu vốn rồi bỏ hoang hoá là tình trạng đang xảy ra ở rất nhiều xã ở tỉnh Nghệ An trong thời gian qua

Công trình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư hằng năm (60%), đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (40%) do Công ty CP Đại Việt thi công, dự kiến đưa vào sử dụng sau 12 tháng. Tuy nhiên, hơn 8 năm trôi qua, công trình mới chỉ hoàn thành khoảng 62% khối lượng, rồi “phơi sương”, nhiều hạng mục dở dang, xuống cấp. Lý do không thể thực hiện là do nguồn vốn đóng góp của địa phương chưa thể bố trí được nên công trình tiền tỷ suốt nhiều năm qua có nguy cơ trở thành phế tích.

Còn ở huyện Yên Thành, dự án cấp nước sạch xã Minh Thành (huyện Yên Thành) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ tháng 7/2012 với tổng mức đầu tư hơn 24,9 tỉ đồng nhưng sau khi thi công được một số hạng mục cũng rơi vào cảnh dang dở. Khi được hỏi, đại diện UBND xã Minh Thành trả lời nguyên nhân của thực trạng này đều có chung “điệp khúc” giống với nhiều địa phương khác là nguồn vốn không được bố trí kịp thời nên nhà thầu phải bỏ dở công trình.

Dư luận cho rằng, vấn đề phê duyệt đầu tư dàn trải, chưa thẩm định rõ tính khả thi của dự án đã khiến nhiều công trình tiền tỷ của Nhà nước sớm rơi vào cảnh lãng phí

Dư luận cho rằng, vấn đề phê duyệt đầu tư dàn trải, chưa thẩm định rõ tính khả thi của dự án đã khiến nhiều công trình tiền tỷ của Nhà nước sớm rơi vào cảnh lãng phí, tạo nhiều "bẫy" chết người đối với người dân địa phương

Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 kết thúc từ năm 2015 nhưng trên địa bàn Nghệ An hiện vẫn còn 15 dự án nước sạch đầu tư đang thi công dang dở vì chưa bố trí nguồn vốn kịp thời.

Chính vì vậy, dư luận đặt cầu hỏi có phải cách triển khai đầu tư dàn trải, bất hợp lý đang khiến câu chuyện thiếu nước sạch vùng nông thôn ở Nghệ An vẫn chưa biết bao giờ mới tháo gỡ?.