>>Nghệ An: Tính mạng người dân đang bị "treo" dưới chân núi Đại Huệ

Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự xê dịch mốc của mỏ trên mặt nước để tiến hành khai thác cát, sỏi ngoài mốc quy định, gây sạt lở bờ sông, thất thoát nguồn tài nguyên.

Phát hiện nhiều vụ khai thác “chui”

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam qua các huyện như:Thanh Chương, Tân Kỳ… vẫn còn phức tạp. Vào ngày 16/5/2022, Cơ quan Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định tại điều 227 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào đêm 28/4/2022, cơ quan chức năng đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thắng (SN 1978), Nguyễn Văn Bình (SN 1971) và Ngũ Thị Hòa (SN 1974) đều trú tại khối 4A, thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) đang sử dụng thuyền máy công suất lớn để hút trái phép tại lưu vực sông Lam đoạn chảy qua xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương.

Cả Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Bình đã từng bị phạt hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép nhưng vẫn tái phạm. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, từ đầu năm 2022 đến thời điểm bị phát hiện, 3 người đã khai thác trái phép hơn 35 chuyến với tổng khối lượng hơn 1.700 m3.

Trước đó, UBND huyện Thanh Chương cũng đã ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp xâm lấn ra ngoài khu vực mỏ được phép khai thác. Trong đó, vào ngày 8/10/2021 đã xử phạt Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương với số tiền 7 triệu đồng vì đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng để mất mốc.

Nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam hoạt động tinh vi “thoắt ẩn, thoắt hiện” để đối phó với lực lượng chức năng

Nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam hoạt động tinh vi “thoắt ẩn, thoắt hiện” để đối phó với lực lượng chức năng

Được biết, hiện, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 5 doanh nghiệp được phép khai thác cát, sỏi trên sông với 8 điểm mỏ, và 16 bến cát được cấp phép.

Còn tại huyện Hưng Nguyên, vào tháng 1/2022, nắm được thông tin các đối tượng đang khai thác cát trái phép tại khu vực chưa được cấp phép thuộc địa phận xã Hưng Thành, Công an huyện Hưng Nguyên phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thành lập tổ công tác tiến hành bắt giữ các đối tượng.

>>Thủ tướng: Nghệ An cần cân đối, bố trí, thu hút nguồn vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Khi phát hiện lực lượng Công an, các đối tượng lập tức nhổ neo bỏ chạy. Tuy nhiên, ngay sau đó, các đối tượng đã chấp hành hiệu lệnh dừng tàu để kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có N.V.S. (sinh năm 1986) là chủ tàu và N.V.C (sinh năm 1979) là lái tàu, cùng trú tại xã Hưng Lợi. Tổ công tác phát hiện trong khoang chứa của tàu có khoảng 130m3 cát.

Nạn hút trộm cát là một trong những tác nhân gây sạt lở bờ sông Lam (đoạn qua xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên) dù đã được làm kè đá

Nạn hút trộm cát là một trong những tác nhân gây sạt lở bờ sông Lam (đoạn qua xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên) dù đã được làm kè đá

Được biết, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng Công an Nghệ An đã phát hiện hàng chục vụ khai thác trái phép, tạm giữ 8 tàu vỏ sắt và gần 207m3 cát…

Còn ở huyện Tân Kỳ, trên sông Con, hiện có 16 điểm mỏ được cấp phép đang hoạt động. Do nhu cầu sử dụng cát sỏi xây dựng lớn nên tình trạng khai thác trái phép cũng thường xuyên xảy ra.

Tại xã Tân Hương (huyện Tân Kỳ), năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã cho 1 doanh nghiệp vào thăm dò khai thác cát sạn, nhưng đến nay chưa cấp phép, chưa cắm mốc nên trên danh nghĩa chưa có doanh nghiệp nào được phép khai thác. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có một số người dân địa phương sử dụng máy hút để khai thác cát sỏi đem bán, làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

>>Nghệ An: “Siết chặt” quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Kỳ cho biết, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Đầu năm nay, lực lượng chức năng tỉnh và huyện cũng đã xử lý 3 đơn vị khai thác vi phạm về kê khai sản lượng khoáng sản, và đã xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.

Huyện đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị, các địa phương tiến hành giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo các đơn vị khai thác đúng thiết kế được duyệt và ranh giới khu vực được phép. Kịp thời xử lý hành vi khai thác khoáng sản ra ngoài phạm vi, ranh giới mỏ…

Khó khăn quản lý mốc của mỏ

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 61 giấy phép khai thác cát, sỏi với trữ lượng trên 21 triệu m3, với công suất khai thác hơn 1,1 triệu m3/năm.

Tại huyện Nam Đàn, hiện có 8 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi xây dựng thông thường. Trong đó, có 3 mỏ đá và 5 mỏ cát, sỏi xây dựng. Các mỏ cát, sỏi chủ yếu tập trung trên sông Lam, tại các xã: Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn, Hồng Long. Ngoài ra còn có 20 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi xây dựng thông thường ở thị trấn Nam Đàn và các xã: Hồng Long, Hùng Tiến, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn, Xuân Lâm, Nam Giang.

Một cán bộ UBND huyện Nam Đàn cho biết, từ năm 2018 đến 2021, huyện đã phối hợp với các đoàn kiểm tra của tỉnh, của các ngành xử lý 39 trường hợp vi phạm, phạt 276,5 triệu đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra khối lượng cát bị hút trái phép trên sông Lam

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phối hợp phát hiện, kiểm tra khối lượng cát bị hút trái phép trên sông Lam 

Cũng theo cán bộ này, bất cập nhất hiện nay là một số xã còn buông lỏng, chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Không xây dựng kế hoạch kiểm tra, để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra trên địa bàn, chưa có biện pháp xử lý kịp thời và triệt để. Đặc biệt, sau khi lập biên bản bàn giao mốc mỏ cho xã quản lý, nhưng một số xã không quan tâm quản lý. Nhiều xã chưa xây dựng được quy chế phối hợp để quản lý khai thác cát vùng giáp ranh.

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An việc kiểm tra, tuần tra quản lý khai thác cát sỏi trên sông còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, sau khi được tỉnh cấp phép, các mỏ cát sạn sẽ được giao cho địa phương theo dõi, quản lý. Tuy nhiên do không có thiết bị GPS, xuồng máy và các trang thiết bị khác nên chính quyền địa phương rất khó xử lý. Trong khi đó, các thuyền hút cát thường cố tình hút trộm ngoài mốc vào ban đêm hoặc lợi dụng thời điểm mưa to, gió lớn, sóng đánh mạnh trên mặt sông.

Được biết, mới đây, HĐND tỉnh Nghệ An đã phải thành lập Đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác quản lý, khai thác khoáng sản; kiến nghị HĐND tỉnh, chính quyền và các các sở, ngành của Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.