Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 3,2 triệu dân, nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa. Nghệ An có 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Trong đó, thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và của cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Diễn đàn

Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" thu hút sự tham gia nhiều của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia và doanh nghiệp.

Với điều kiện địa lý, kinh tế đa dạng, Nghệ An có biển, có rừng, có núi, có đồng bằng, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và nguồn nhân lực đa dạng, dồi dào. Bên cạnh đó, Nghệ An được quy hoạch xây dựng Cảng hàng không, Cảng biển Quốc tế và Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; nhiều khu công nghiệp lớn đang được xây dựng và hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật để đón chào các nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Khu Kinh tế Đông Nam (một trong 18 Khu Kinh tế ven biển của cả nước được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ) và 11 Khu Công nghiệp (KCN),... Đó là những thế mạnh, tiềm năng to lớn cho Nghệ An phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020 đã tạo cho Nghệ An nhiều thuận lợi và ưu thế vượt trội so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Để phát huy hơn nữa lợi thế của khu vực, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng kinh tế vùng, giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm gia tăng sức ảnh hưởng và hướng đến tính hiệu quả lan tỏa đầu tư của vùng, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" ngày 18/10/2019, tại tầng 7, trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, ban tổ chức đã Trao Bằng khen của Chủ tịch VCCI cho các Doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển kinh tế Vùng Bắc Trung Bộ.

Môi trường kinh doanh của Nghệ An ngày càng được cải thiện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt nhiều kết quả khả quan. Giai đoạn từ năm 2014-2018, Nghệ An đã thu hút được 690 dự án  đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 143.000 tỷ đồng. Năm 2019 (tính đến ngày 17/9/2019), Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 74 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 8.744,09 tỷ đồng.

Mặc dù tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng có tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy ở mức khá nhưng chưa bền vững, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nguồn lực chủ yếu còn dựa nhiều vào ngân sách Nhà nước. Thu hút đầu tư những năm gần đây có chuyển biến nhưng chưa tương xứng tiềm năng; những dự án có quy mô lớn, tạo đột phá vẫn chưa nhiều. Một số lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính - tín dụng - ngân hàng, thương mại, công nghệ thông tin… đang từng bước hình thành yếu tố trung tâm vùng nhưng chưa thực sự rõ nét về cả phạm vi, mức độ, tầm ảnh hưởng, tác động lan tỏa đối với vùng còn hạn chế.

Phiên thảo luận thứ nhất chủ đề “Định hướng phát triển vùng”

Phiên thảo luận thứ nhất chủ đề “Định hướng phát triển vùng”

Vùng Bắc Trung Bộ có tính chất chuyển tiếp giữa các vùng kinh tế phía Bắc và các vùng kinh tế phía Nam, nằm trên trục giao thông Bắc Nam về đường sắt, đường bộ; có hệ thống sân bay (Vinh, Đồng Hới, Phú Bài), bến cảng (Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Gianh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Thuận An...) tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, các vùng và quốc tế, đặc biệt với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar...

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư”

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư”

Từ những yếu tố trên, là Tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực Bắc miền Trung, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh tại Nghệ An cho rằng, để Nghệ An nói riêng và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ nói chung phát triển, kết nối một cách có hiệu quả hơn nữa trong tương lai, chúng ta cần tập trung quyết liệt vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, với vị trí địa lý quan trọng, Nghệ An bằng mọi cách ưu tiên xây dựng, phát triển thành phố Vinh sớm trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An; trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Hiện tại, thành phố vẫn chưa phát triển đúng tầm và thiếu đột phá, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của cả tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng các tỉnh trong khu vực nhìn chung còn yếu và thiếu đồng bộ, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông; cải cách thể chế, đổi mới hoạt động chính quyền theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và mang tính bắt buộc cao nhất, chịu giám sát và chế tài trách nhiệm cao nhất của chính quyền tỉnh, không ngừng cải cách hành chính theo hướng phục vụ, minh bạch, hiệu quả. Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh PCI của các tỉnh trong khu vực còn chưa đồng đều (năm 2018 PCI Nghệ An đứng vị trí 19 cao nhất từ trước đến nay, tuy nhiên PCI khu vực lại không chưa được như mong muốn: Thanh Hóa xếp thứ 28, TT Huế 29, Hà Tĩnh 33, Quảng Bình 45 và Quảng Trị 54). Điều này thể hiện môi trường kinh doanh, năng lực điều hành kinh tế giữa các tỉnh khu vực còn thiếu bền vững, chưa đồng đều, cần có Chỉ số PCI một cách đồng bộ để góp phần thu hút đầu tư tốt hơn.

Thứ ba, Bắc Trung Bộ có tài nguyên khoáng sản đa dạng, chiếm khoảng 60% trữ lượng quặng sắt, 80% thiếc, 100% Cronit, 40% đá vôi so toàn quốc. Trong vùng có một số mỏ khoáng sản có giá trị như mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hoá), mỏ thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An). Xếp theo trữ lượng thì hàng đầu là đá, sắt, sau đó đến thiếc, cao lanh... dầu mỏ khí đốt có nhiều triển vọng. Đây là cơ sở tốt cho công nghiệp khai khoáng luyện kim, vật liệu xây dựng đưa Bắc trung bộ trở thành vị trí nổi bật về ngành công nghiệp. Các tỉnh trong vùng cần có nhiều ưu đãi kêu gọi các nhà đầu tư về lĩnh vực này, chú ý về tác động môi trường.

Thứ tư, khu vực Bắc Trung Bộ được đánh giá là có tiềm năng du lịch rất lớn, nhiều cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, các hệ sinh thái gắn với vườn quốc gia và hệ thống đầm phá, biển đảo, các cửa khẩu quốc tế, chợ đường biên tạo lợi thế giao lưu quốc tế; phong tục tập quán văn hóa độc đáo của cộng đồng 25 dân tộc thiểu số…

Đây là vùng có nhiều di sản văn hóa, thuận tiện cho việc kết nối tour du lịch con đường di sản miền Trung. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ còn thiếu sự hợp tác chặt chẽ, chồng lấn, đặc biệt các doanh nghiệp khai thác du lịch trong vùng chưa có sự sâu chuỗi, kết nối hoạt động một cách có hiệu quả. Chính quyền và ngành du lịch các tỉnh này nên sớm có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nói chung, trong đó chú trọng du lịch biển mà Nghệ An, Thanh Hóa có rất nhiều lợi thế phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển chung của từng địa phương cũng như khu vực.

Thứ năm, thổ nhưỡng của đất nông nghiệp của các tỉnh khu vực phù hợp với các loại cây công nghiệp và cây có múi, nên việc quy hoạch khu vực này thành vùng chuyên canh theo hướng công nghệ cao là rất thuận lợi. Chính quyền các tỉnh sớm ban hành chính sách về đất đai, vốn, có cơ chế đặc thù để tạo ra liên kết hàng hóa trong vùng; kêu gọi nhiều nhà đầu tư đủ mạnh để đầu tư các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm công nghệ mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi. Một số doanh nghiệp điển hình như Tập đoàn TH, Nafood (Nghệ An), Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa),… bước đầu đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực này.