Mặc dù là tỉnh có nguồn lao động dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn

Mặc dù là tỉnh có nguồn lao động dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn "khát" nguồn lao động có tay nghề chất lượng cao

Đây đang là bài toán sử dụng lao động mà Nghệ An đang gặp phải khi nguồn cung đang dồi dào nhưng doanh nghiệp trong tỉnh lại khó tìm được số lượng ứng viên phù hợp để tuyển dụng…

Theo Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An, giai đoạn 2023-2025, các nhà máy, xí nghiệp… xây dựng, triển khai hoạt động trong KKT có nhu cầu cần tới gần 90 nghìn lao động. Tuy nhiên, đây là số lượng lao động phổ thông tham gia làm việc tại các nhà máy may công nghiệp, điện tử, giày da trên địa bàn, còn lao động có trình độ, tay nghề, doanh nghiệp vẫn đang “khát”.

Trong khi đó, Nghệ An là tỉnh có nguồn lao động dồi dào với 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chưa kể hàng năm từ 45 - 50.000 lao động trẻ bổ sung vào lực lượng lao động. Và, trong tổng số nguồn lao động nói trên của địa phương, số lao động có tay nghề đã qua đào tạo mới chỉ chiếm con số hơn 20%.

Tuy nhiên, có một thực trạng đang tồn tại hiện nay, khi được hỏi, các doanh nghiệp trên địa bàn đều than rằng rất khó tuyển dụng được lao động vào làm việc. Nguyên nhân do nguồn lao động qua đào tạo còn quá thấp, số được đào tạo lại không ở lại địa phương làm việc mà tìm kiếm việc làm ở các vùng kinh tế khác bởi mức lương chi trả hấp dẫn hơn.

>>Ba giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động

Mặt khác, các thiết chế cũng như chế độ đãi ngộ phục vụ công nhân chưa đảm bảo, điều kiện sinh hoạt ăn, ở, đi lại tại Nghệ An chưa bằng các vùng kinh tế khác mà chi phí thuê trọ lại khá cao khiến người lao động chưa thể mặn mà bám trụ làm việc tại quê nhà.

“Chúng tôi muốn giữ chân người lao động có tay nghề cao nhưng không thể bởi chi phí vận hành sản xuất và các điều kiện phát sinh khá lớn khiến doanh nghiệp không thể cân đối nguồn tài chính được. Về lâu dài, địa phương cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là khâu hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hiện đại để kéo thêm nhiều nhà đầu tư, tạo vệ tinh sản xuất kinh doanh tuần hoàn…” - đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An cho biết.

Nói về việc doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động, ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho rằng, dù là đơn vị chủ quản về lao động nhưng thời gian qua, Sở không nhận được phương án, kế hoạch sử dụng lao động của các doanh nghiệp theo các dự án đầu tư nên khá bị động trong vấn đề tạo nguồn và kết nối cung cầu lao động. Có nghĩa là, khi thu hút dự án đầu tư, ngoài việc tham vấn, đề nghị cho ý kiến của những Sở ngành liên quan như: Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT, Công thương, Tài chính, Nông nghiệp, Giao thông…nhưng phần việc đảm bảo cân đối nguồn lao động, Sở LĐTB&XH lại không nằm trong danh sách trước khi UBND chấp thuận chủ trương đầu tư?!.

Bức tranh

Bức tranh "lệch pha" về nguồn cung lao động do người dân liên tục tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn tại các vùng kinh tế khác đang là bài toán chưa có lời giải bền vững không chỉ ở Nghệ An mà một số tỉnh như Thanh Hoá, Hà Tĩnh cũng đang gặp phải trong vài năm trở lại đây

Riêng trong năm 2023, các doanh nghiệp cần tới khoảng 2.194 lao động có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp. Năm 2024, con số 3.461 người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và năm 2025 lại chỉ cần 2.595 người.

Theo ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, trong 2 năm lại đây, đơn vị đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp kinh tế kỹ thuật nghề mở 2 hội nghị kết nối cung - cầu lao động để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp…

>>Lời giải nào cho bài toán nguồn lao động để doanh nghiệp "tái sinh"?

Bên cạnh đó, Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An còn phối hợp với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN như: VSIP, WHA và các doanh nghiệp tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu lao động tại các KCN và địa phương để tăng cường kết nối thị trường lao động.

Được biết, hiện nay KKT Đông Nam Nghệ An có 138 doanh nghiệp đi vào hoạt động và đang sử dụng 30.128 lao động, thu nhập bình quân khoảng 7,299 triệu đồng/người/tháng.