>> Văn phòng làm việc tốt cho kinh doanh

Không gian làm việc trong mơ đó tưởng chừng khiến các nhân viên gắn bó suốt đời nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. 

Theo một nghiên cứu của mạng xã hội LinkedIn, trung bình nhân viên ở lại Facebook là 2,5 năm, Google là 3,2 năm. Các doanh nghiệp có văn phòng đẹp khác cũng vậy.

Nơi làm việc lý tưởng

Christopher Johnson, một trưởng nhóm thiết kế tại Google, bắt đầu chuyển đến California và làm việc cho Google từ năm 2011, một nơi làm việc đáng mơ ước của nhiều người. Đó là một trong những nơi liên tục được Forbes đánh giá là nơi làm việc tốt nhất thế giới.

Cũng giống như Facebook, Apple, Microsoft, mỗi văn phòng làm việc của Google đều có đặc trưng riêng. Không chỉ có phòng tập thể dục, không gian để chơi bóng rổ, Google còn mang đến cho nhân viên cầu trượt trong nhà hay một không gian để hát karaoke và cả bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Google đoán trước mọi nhu cầu của nhân viên từ giường ngủ trưa, ghế mát xa đến cả tăm bông trong phòng tắm và cả hệ thống đưa đón nhân viên lúc tắc đường.

Johnson yêu công việc của mình, anh ấy ăn tại văn phòng, tập thể dục tại đó, thậm chí cả tụ tập cùng đồng nghiệp hay gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Mọi thứ của Google sinh ra dường như để phục mọi nhu cầu của anh cũng như mọi nhân viên khác, để mọi người chỉ tập trung vào công việc, không cần phải ra khỏi công ty để tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu.

Không chỉ có Google tạo ra các văn phòng làm việc trong mơ để giữ chân nhân viên tại văn phòng, đáp ứng mọi nhu cầu tại chỗ, những doanh nghiệp giàu có khác như Facebook, Apple, Microsoft,… cũng vậy. Những văn phòng đẹp tiện nghi đến nỗi nhiều nhân viên thích ở công ty hơn là về nhà, không cần ra khỏi công ty khi hết giờ làm việc bởi mọi thứ cần cho cuộc sống đều có ngay bên cạnh.

Đánh vào tâm lý

Cách các công ty giữ chân nhân viên ở lại văn phòng cũng như siêu thị giữ chân khách hàng, sòng bạc giữ chân con bạc. Như IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, có những cách thức độc đáo, đánh vào tâm lý để giữ chân khách hàng. Đòn tâm lý đó làm khách hàng quên đi thời gian, quên đi kế hoạch rời khỏi siêu thị sau nửa tiếng, một tiếng hoặc quên đi danh sách mua hàng đã định trước mà “tha” cả đống đồ về nhà.

IKEA thực hiện đòn tâm lý đó bằng cách loại bỏ hoàn toàn cửa sổ, và đồng hồ hoặc nếu có cũng chỉnh sai giờ, khiến đồng hồ sinh học của con người như dừng lại, mải mê xem đồ mà không thể nhìn thấy phong cảnh bên ngoài cửa hàng, mặt trời đã lặn hay ngoài trời có đổ mưa hay không.

IKEA còn biến việc đi mua đồ thành một chuyến tham quan, sau khi chọn đúng đồ cần mua theo ý định, khách không thể đi thẳng ra quầy thanh toán mà như lạc vào mê cung, với một lối đi duy nhất để khách hàng buộc phải đặt chân tới mọi ngóc ngách, nhìn mọi sản phẩm trước khi đến được quầy thanh toán. Thế nên, khách hàng hào hứng và dành rất nhiều thời gian trong siêu thị, mua những món đồ không cần thiết, không có trong dự định.

Sòng bạc cũng vậy, không cửa sổ để biết trời đã sáng, không đồng hồ, thậm chí được bơm oxy để con bạc chơi không biết mệt mỏi, quên đi thời gian và ý định ban đầu vào chơi cho vui và chỉ rời đi khi trời đã sáng hoặc hết tiền.
Các công ty cũng học cách đánh vào tâm lý này để giữ chân nhân viên ở lại công ty một cách hoàn toàn tự nguyện.

Làm thêm hoàn toàn“tự nguyện”

Các doanh nghiệp như Google thực chất cũng dùng cách đánh vào tâm lý giống sòng bạc hay siêu thị kể trên để vô hình trung giữ chân nhân viên ở lại làm việc càng lâu càng tốt. Công cụ của họ chính là Văn phòng đẹp.

Một văn phòng đẹp, hoàn mỹ và đầy đủ tiện nghi sẽ khiến người lao động quên hết thời gian và mọi thứ bên ngoài, kể cả nhu cầu và quan hệ cá nhân để chỉ tập trung vào hoàn thành công việc.

Cùng với văn phòng đẹp là áp lực công việc khủng khiếp, để giảm bớt áp lực đó, thay vì phải về nhà nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống để hồi phục sức khỏe, đi chơi, hẹn hò để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, chơi thể thao để tăng cường sức khỏe, tắm rửa cho sạch sẽ hay gặp bác sĩ để khám bệnh thì công ty cung cấp tất cả xung quanh bàn làm việc. Và thế là cuộc sống dường như gói gọn xung quanh văn phòng.

Và những nhân viên như Johnson ở Google dễ dàng hy sinh mọi quan hệ cá nhân, hay thời gian dành cho gia đình, bạn bè để dành cho công việc một cách “tự nguyện”, giống như con mồi bị con rắn thôi miên mà quên béng đi việc chạy trốn.

Tuy nhiên, Johnson làm việc ở Google chỉ 7 năm 3 tháng khi nhận ra công ty không phải là một gia đình, cuộc sống không chỉ có mỗi công việc, và văn phòng đẹp chỉ là cách các ông chủ dùng đòn tâm lý để giữ chân người lao động. Những thứ hoàn hảo như thế ở văn phòng đẹp không đánh đổi được với gia đình, bạn bè và những điều riêng tư.