>> Thanh Hóa: Diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm bếp ăn trường học

Phần ăn trưa 17/11 của học sinh Trường iSchool Nha Trang có món cánh gà (bên trái, dưới).

Phần ăn trưa 17/11 của học sinh Trường iSchool Nha Trang có món cánh gà (bên trái, dưới). Ảnh: VTC News

Tình trạng thực phẩm bẩn, còn tồn dư hoá chất độc hại vẫn tràn lan ở Việt Nam như hiện nay đang đe doạ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Đặc biệt là lớp học sinh còn nhỏ tuổi, hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện dễ bị tổn thương. Có người bất lực thốt lên “bây giờ không biết ăn gì để sống khoẻ mạnh, không ăn thì chết ngay còn ăn thì sẽ chết từ từ”.

Bài thơ “Thức ăn ngày nay” nghe thì hài hước mà thật chua xót:

Ngày nay ngẫm nghĩ ăn gì? 

Phở ngâm hoá chất, trà thì trộn lân. 

Cà fe pin trộn mấy phần. 

Rau muống dầu nhớt tưới dần cho xanh. 

Bia giả, rượu giả tưởng lành. 

Cứ uống cho sướng để dành bệnh sau. 

Mực khô dai như mo cau. 

Từ cao su thải nhai đau cả hàm. 

Thịt bò trông thấy mà ham. 

Lợn sề nhuộm phẩm là làm pa tê. 

Xúc xích mới thực là ghê. 

Gà toi, lợn bệnh lôi về xay ngay. 

Lũ trẻ hiện đại ngày nay. 

Thích ăn xúc xích thế này rồi sao? 

Tương lai đất nước thế nào? 

Khi mà thực phẩm dồi dào phóc môn. 

Đủ loại hoá chất kinh hồn. 

Đem ngâm hoa quả đem dồn miệng dân. 

Cái bệnh cái chết dần dần 

Thật là đáng sợ hại thân hại đời. 

Đừng ham, đừng hám vì lời.

Tẩm bao chất độc rồi mời người ăn. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao không hề thiếu các đơn vị chức năng để quản lý chất lượng lương thực, thực phẩm, rau củ, hoa quả mà vẫn để dân thất vọng? Vấn đề nằm ở phương pháp làm chưa khoa học, cách xử lý chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe những kẻ vì lợi mờ mắt sẵn sàng đầu độc đồng bào. Bên cạnh đó, còn có cả sự thoả hiệp, tiếp tay của cán bộ cơ quan quản lý khi trót “ngậm miệng ăn tiền” trong quá trình thanh, kiểm tra các đơn vị bếp ăn tập thể, các nhà cung cấp.

Xã hội phát triển, nhu cầu về bếp ăn tập thể là nhu cầu tất yếu. Để đảm bảo sức khoẻ của học sinh, sinh viên, người lao động không chỉ có thể trông chờ vào cái tâm của những người liên quan đến quản lý, cung cấp dịch vụ suất ăn tập thể; mà cần chế tài, quy định, tài liệu đào tạo hệ thống văn bằng chứng chỉ, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở vật chất cho nhà cung cấp nguyên liệu.

Nhiều học sinh ngộ độc phải nhập viện.( Ảnh báo Skđs)

Nhiều học sinh Trường iSchool Nha Trang ngộ độc phải nhập viện. Ảnh: SKĐS

>> Hải Phòng: 48 công nhân ngộ độc sau bữa ăn chiều

Muốn loại bỏ nguy cơ ngộ độc thực phẩm cần liều đặc trị đông, tây y kết hợp cả toà án thì mới có hiệu quả là bữa ăn an toàn cho con em và mọi người chúng ta, có cả tôi cả bạn trong đó.

Việc thứ nhất, cấm không cho nhập các thực phẩm đông lạnh không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt nội tạng động vật, chân, cánh gà. Lập hàng rào kiểm soát, đánh giá sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như các nước phát triển Đức, Pháp, Nhật Bản…

Việc thứ hai, kiểm soát việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất dùng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Các sản phẩm lậu phải truy xuất nguồn gốc tận nơi, lôi ra vành móng ngựa xử thật nghiêm làm gương, thông tin truyền thông rộng rãi để răn đe. Cách thức liều lượng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất phải theo tiêu chuẩn an toàn của nông nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm sử dụng tuỳ tiện bừa bãi sẽ bị cấm lưu hành, tiêu huỷ… Cần hoàn thiện khung thể chế về pháp luật, trao thanh thượng phương bảo kiếm cho các đơn vị có chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển thành án hình sự với các sự vụ nghiêm trọng.

Việc thứ ba, chính các đơn vị sử dụng bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp phải tự bảo vệ mình, không thể giao hết trách nhiệm cho nhà thầu. Ngộ độc thực phẩm là việc chẳng ai mong muốn để xảy ra là nguy cơ chết người, thiệt hại về con người, vật chất, danh tiếng đều rất lớn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo nguyên tắc một chiều. Đầu vào là nguyên liệu, đầu ra là suất ăn thành phẩm, khu sơ chế tách hẳn khu chế biến, cấp phát, rác thải, nước thải phát sinh được xử lý đúng quy trình. Hệ thống tủ đông, tủ mát được giám sát theo múi giờ có sự ghi nhận kết quả kiểm tra.

Thực phẩm đầu vào phải được kiểm tra giám sát, ghi lại số lượng, hình ảnh đảm bảo tươi sống, với sản phẩm đông lạnh phải đáp ứng được đúng tiêu chuẩn về chất lượng, phương pháp bảo quản, vận chuyển cũng như hạn sử dụng. Ban giám sát nhà ăn hoạt động liên tục, nghiêm túc có thể quay vòng như trực nhật thì sẽ đảm bảo sự nhiệt tình cũng như không bị nhàm chán.

Việc thứ tư, tuy là chữa phần ngọn nhưng cũng có hiệu quả, đó là ngay khi nhập nguyên liệu đầu vào hãy chế biến mẫu suất ăn, nhà bếp, nhà thầu cùng ban quản lý giám sát nhà ăn sẽ ăn trước để thẩm định trước khi chế biến đại trà. Thực phẩm có vấn đề thường gây phản ứng trong vòng 30~60  phút sau khi ăn, nên hoàn toàn có thể chủ động được việc ứng phó trong trường hợp có nguy cơ ngộ độc, như dừng khẩn cấp việc chế biến, cấp phát suất ăn, nhất là những phản ứng dị ứng Histamin hay gặp trong các món ăn từ cá biển.

Nếu không làm thẳng thắn và quyết liệt thì chắc chắn các vụ ngộ độc tiếp tục xảy ra và chúng ta lại lẽo đẽo chạy theo xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.