Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI. Ông là một trong những nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google, với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ. Ông đảm nhiệm công việc Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI vào tháng 4/2019, với sứ mệnh thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá, mang tầm cỡ hàng đầu thế giới với khát vọng đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu.

TS Bùi Hải Hưng là ai?

Ngày 17/4/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech). Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu. Viện do Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực AI thế giới, làm Viện trưởng.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng sinh năm 1973, ông từng học Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng dự thi Olympic Toán quốc tế với Giáo sư Ngô Bảo Châu và giành Huy chương bạc năm 1989.

Từ năm 1994 đến năm 1998, ông theo học tại trường Đại học Curtin, Úc. Tại đây, ông lấy bằng cử nhân và sau đó nhận bằng Tiến Sĩ năm 1998 khi mới 25 tuổi, đều về ngành khoa học máy tính.

TS Bùi Hải Hưng đã có gần 100 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ tại Mỹ. Ảnh: Vingroup

TS Bùi Hải Hưng đã có gần 100 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ tại Mỹ. Ảnh: Vingroup

Từ tháng 2/2000 đến tháng 10/2003, ông làm Giảng Viên tại trường Đại học Curtin và đã từng được mời làm Giáo Sư tại trường Đại học Monash. Tại đây, ông giảng dạy các môn bao gồm Trí tuệ nhân tạo, Toán học rời rạc, Giao tiếp máy tính ở cấp đại học, các chủ đề nâng cao trong trí tuệ nhân tạo, bao gồm mạng Bayes, mô hình đồ họa, mạng thần kinh. Ông cũng đã thực hiện nghiên cứu trong các mô hình đồ họa xác suất và học máy với các ứng dụng trong hoạt động và nhận dạng kế hoạch và tư vấn cho 4 nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này.

Trong hơn 9 năm tiếp theo, từ tháng 10/2003 đến tháng 11/2012, ông Hưng làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI -– Viện Nghiên Cứu Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Giai đoạn này, ông là người nghiên cứu chính trong chương trình nhận dạng hoạt động cấp cao từ video của DARPA (Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến).

Đồng thời, ông cũng là người chỉ đạo về kỹ thuật trong suy luận xác suất, dự án học máy của DARPA. Phạm vi nghiên cứu của ông là suy luận xác suất và mô hình xác suất để hiểu ngôn ngữ tự nhiên.

Ông từng lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường Đại học hàng đầu của thế giới (Stanford, MIT, Berkeley) trong việc phát triển công nghệ nhận diện hành vi của con người, trực thuộc dự án CALO, dự án về AI lớn nhất tính đến thời điểm đó và còn được biết đến như dự án đã sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri trong Apple iPhone.

Từ tháng 11/2012 đến năm 2014, ông là nhà nghiên cứu chính tại Phòng thí nghiệm hiểu ngôn ngữ tự nhiên tại Công ty truyền thông Nuance, một công ty tại Sunnyvale, San Francisco.

Tháng 11/2014 đến tháng 1/2018, ông chuyển sang làm việc tại Adobe Research với vị trí Chuyên gia máy học.

Tháng 1/2018, ông bắt đầu làm việc trong một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI là Google DeepMind. Tại đây, ông được giao vị trí nghiên cứu cấp cao và được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Ông có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.

"Mối lương duyên"

Trên thực tế, hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu thế giới có nghiên cứu về AI như Microsoft, Google hay Facebook đều có sự tham vấn của người Việt Nam. Thế nhưng, dù có những cái tên nổi bật như Bùi Hải Hưng, Việt Nam vẫn chỉ là con số 0 trên bản đồ AI thế giới.

Nỗi trăn trở về "con số 0" này từng được vị tiến sĩ tuổi bày tỏ trong dịp về Việt Nam tham dự Lễ công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo vào tháng 9/2018. Tại đây, ông đã đưa ra giải pháp bền vững và lâu dài cho câu chuyện này: Tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu Việt Nam. Đây sẽ là nơi giải quyết hai nút thắt đang cản trở dấu ấn AI Việt: Một là khởi tạo, công bố các công trình nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo tầm cỡ toàn cầu; Hai là bệ phóng cho một thế hệ tài năng Việt Nam mới phát triển.

Có 16 năm làm việc tại Thung lũng Silicon, vị tiến sĩ khoa học máy tính có niềm tin mãnh liệt rằng, với tiềm năng và trí tuệ của người Việt, đất nước hình chữ S phải có được tiếng nói xứng đáng trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới nói chung và trong lĩnh vực AI nói riêng.

Nhưng vào lúc đó, từ khao khát tới thực tế có một khoảng cách không dễ gì khỏa lấp môi trường công nghệ ở Việt Nam và Google DeepMind, quả thực khác nhau quá xa. Và nếu quyết từ bỏ một nơi mình đang được thừa nhận để trở về Việt Nam, ông chỉ là một nhà khoa học mơ một giấc mơ lớn.

Và rồi một lần nữa, sự "ngẫu nhiên" tiếp tục đến với tiến sĩ Hưng trong cuộc gặp bất ngờ với người đứng đầu Vingroup.

Nếu TS Bùi Hải Hưng là một nhà khoa học đang mơ một giấc mơ lớn, thì tỉ phú Phạm Nhật Vượng lại là một con người luôn sẵn sàng biến những giấc mơ lớn thành hiện thực. Trong kế hoạch riêng của mình, chỉ cần giấc mơ lớn ấy mang lại lợi ích cho đất nước, cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam, ông Vượng và doanh nghiệp phía sau ông luôn là nơi tiên phong chủ động trở thành bệ phóng cho những điều tưởng chừng không thể.

"Gặp anh Vượng, việc đầu tiên tôi nói ra là muốn ghi tên Việt Nam lên bản đồ AI thế giới. Dường như đó cũng là điều anh Vượng ấp ủ. Khi tôi nói ra, anh đáp ngay, rằng đó cũng là điều mà anh muốn làm luôn và hỏi nếu Vingroup làm, tôi có về làm cùng anh không?

Lúc đó tôi nói với anh Vượng: Nếu anh muốn làm cái gì đó ở mức độ Việt Nam thì em sẽ không về, nếu anh muốn làm tương đương mức độ thế giới thì em sẽ về. Không một chút do dự, anh Vượng đặt câu hỏi ngược lại, tại sao lại chỉ có như thế, chắc chắn công việc phải tốt hơn những cái em làm bên kia!", ông Hưng kể lại.

"Khi đó, anh Vượng bảo tôi: Nếu muốn làm em phải quyết tâm làm ngay. Mình phải giương ngọn cờ rồi kêu gọi mọi người về. Nếu bản thân mình vẫn còn lấp lửng thì tất cả mọi người cũng đều lấp lửng hết. Tôi thấy điều đó có lí. Phải có người dấn bước đầu tiên. Tôi thấy mọi thứ đã thông suốt. Tôi gần như đã có quyết định của mình ngay sau cuộc trò chuyện đó".

Cuộc trò chuyện với tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã phá tan những nghi ngại trong lòng Bùi Hải Hưng. Chỉ sau hai câu nói, vị tỉ phú nổi tiếng với khát khao "muốn thế giới không chỉ biết tới một Việt Nam anh hùng, mà còn là một Việt Nam đẳng cấp, trí tuệ" đã khiến tiến sĩ Hưng, khi đó vẫn còn là chuyên gia cao cấp của Google DeepMind hoàn toàn bị thuyết phục và quyết định trở về Việt Nam thực hiện giấc mơ lớn của mình.

Đi tìm lời giải cho AI Việt Nam

Rời vị trí nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng gia nhập Tập đoàn Vingroup. Nói về quyết định có phần mạo hiểm này, ông cho biết, muốn tạo ra ảnh hưởng và tác động tích cực, muốn giải những bài toán AI của Việt Nam thay vì những bài toán của thế giới. Nếu tôi làm ở Việt Nam và thành công, sức ảnh hưởng tích cực của việc tôi làm sẽ lớn hơn khi tôi ngồi vị trí trước đây ở Google DeepMind.

TS. Bùi Hải Hưng cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo rất quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn.

TS. Bùi Hải Hưng cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo rất quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn.

Mục tiêu của Viện Nghiên cứu AI của Vingroup là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Tập đoàn Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn hoặc các đối tác.

Nói về VinAI, TS Hưng khẳng định, VinAI ra đời nhằm góp phần để Việt Nam không còn là vùng trắng về trí tuệ nhân tạo. Ông cho biết thêm, tổ chức này đang phát triển tốt 3 mảng chính: nghiên cứu cơ bản; ứng dụng, chuyển giao công nghệ; và đào tạo tài năng trẻ.

“Ở mảng nghiên cứu cơ bản về AI, mục tiêu của tôi là có công trình ở đẳng cấp hàng đầu thế giới thì hiện đã có những kết quả đầu tiên. Hàng loạt các bài báo do VinAI hoặc trực tiếp nghiên cứu, hoặc phối hợp cùng các cơ sở hàng đầu thế giới ở 3 mảng chính - máy học, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên - đã được công bố và chấp nhận tại các hội nghị đỉnh cao. Mảng máy học, ngoài 2 công trình đã công bố ở NeurIPS cuối năm ngoái, đội ngũ của Viện cũng đã có những thành công đầu khi giải quyết vấn đề tự động điều khiển robot trực tiếp từ các cảm biến camera, một công trình VinAI đóng góp với vai trò dẫn dắt và hợp tác với Đại học Stanford, Google và Facebook. Mảng thị giác máy tính tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu để cải tiến các phương pháp nhận diện khuôn mặt và hành vi. Mảng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, VinAI đã công bố PhởBERT, một mô hình ngôn ngữ tiếng Việt có ngữ cảnh đầu tiên. Đây là một đóng góp quan trọng và mang tính chất nền tảng cho cộng đồng nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tiếng Việt,” TS Hưng nêu cụ thể.

Trong khi đó, ở mảng ứng dụng, chuyển giao công nghệ, VinAI đã tạo ra những sản phẩm đầu tiên đến tay người dùng như công nghệ mở khóa bằng khuôn mặt trên điện thoại Vsmart, công nghệ nhận diện khuôn mặt áp dụng cho thành phố thông minh.

Còn ở mảng đào tạo, hiện VinAI quy tụ 70 nghiên cứu, kỹ sư phần mềm, thực tập sinh, trong đó nhiều người đã có kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở tốt nhất về AI trên thế giới. “Cá nhân tôi đánh giá đội ngũ nhân sự của VinAI hiện tại ngang bằng mặt bằng chung của các Lab hàng đầu trên thế giới,” ông nói. “Khi có hạt nhân phía trên là những người có uy tín, việc thu hút các nhân tố tài năng khác sẽ dễ dàng hơn. Hiện tại, chúng tôi đã bước sang giai đoạn sàng lọc, đánh giá tài năng để lựa chọn.”

Nói về kỳ vọng của mình đối với VinAI trong 5-10 năm tới, ông Hưng cho biết, giai đoạn tiếp theo, VinAI hướng đến các sản phẩm, ứng dụng thương mại hóa không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn ở quốc tế. “Đây là thước đo quan trọng để khẳng định đẳng cấp của VinAI trong tương lai. Tại VinAI, không ai được hài lòng với kết quả ban đầu.”

Tham vọng về sản phẩm "Make in Vietnam"

TS. Bùi Hải Hưng cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo rất quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn. Bài toán muôn thủa là một tổ chức càng lớn, sự trì trệ càng cao. Mỗi tổ chức không chỉ vươn lên cạnh tranh với các tổ chức khác, mà còn phải cạnh tranh với chính mình. Muốn vậy, đổi mới sáng tạo phải trở thành văn hóa, ngấm vào từng con người của tổ chức.

Cách nào và làm như thế nào để xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo? Theo ông Hưng, mô hình vườn ươm ý tưởng là rất thú vị. Các vườn ươm không nhất thiết đứng độc lập mà có thể ở trong tập đoàn, trong các trường đại học lớn, tạo chỗ cho thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo.

Với mô hình vườn ươm, các ý tưởng mới sẽ được cộng hưởng kinh nghiệm của những người từng trải và có thể được trợ giúp vốn đầu tư ban đầu. Như vậy, quá trình từ sáng tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra ứng dụng sẽ được rút ngắn, dễ thành công hơn và cũng tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Dù là mô hình nào, thì việc xây dựng nên con người có tri thức và định hình văn hóa đổi mới sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng nhất. Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Hưng cho biết, tại VinAI, không ai được hài lòng với kết quả ban đầu, bởi mục tiêu lớn nhất chính là xây dựng và phát triển nền khoa học Việt, để tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam" ở đẳng cấp quốc tế.

Gợi mở cách thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo, ông Hưng chia sẻ câu chuyện tại Google. Theo đó, Google có quy định các nhân viên được dành 20% thời gian tham gia các không gian sáng tạo, họ không nhất thiết tuân thủ sếp trong khoảng tự do sáng tạo này.