Đây là thực trạng “người quê bỏ xứ đi xa” diễn ra suốt thời gian qua ở Nghệ An trong bối cảnh đất rộng, người đông nhưng do việc làm không ổn định, chủ yếu dựa vào ruộng đồng, thu nhập thấp… nên sớm “ly nông, ly hương” để tìm đến những miền đất hứa lập nghiệp.

Bao giờ người dân hết cảnh

Bao giờ người dân hết cảnh "ly nông, không ly hương" đang là câu hỏi đến nay chưa đưa ra được giải đáp cụ thể mang tính bền vững

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng lao động quê Nghệ An tại các KCN tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh hay Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… nhưng tại các địa phương này phải có đến hàng vạn người ở địa phương này đang sinh sống, làm việc.

Khoảng gần 10 năm trước, sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, hình ảnh đoàn người rồng rắn, tay xách, nách mang tập trung ở các bến xe, vệ đường để chờ đón xe khách, ga tàu nối đuôi nhau vào Nam, ra Bắc diễn ra khá quen thuộc.

Bởi chỉ có xác định đi làm ăn xa thì những người nông dân ở các vùng quê mới hy vọng được đủ ăn, đủ mặc và tích cóp được một ít chi phí gửi về cho người thân trang trải, sinh sống.

Chính vì vậy mà đến bây giờ, “mật độ phủ sóng” của công nhân quê Nghệ An cũng trở nên quen thuộc, dày đặc ở các KCN trong Nam lẫn ngoài Bắc. Thiếu việc làm phải chấp nhận “tha phương cầu thực” là lẽ đương nhiên, thuận theo quy luật.

Liên quan đến dịch bệnh COVID -19, từ ngày 12/6-15/6, tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ đón 326 người lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương hiện đang ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nguyện vọng trở về quê hương. Được biết, đây là các trường họp F1 đã hoàn thành cách ly tập trung, xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà và những người ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội đã được sàng lọc, xét nghiệm cho kết quả âm tính nhiều lần trước khi có nguyện vọng trở về quê hương.

Nguyên nhân cũng một phần do ở Nghệ An thiếu việc làm, sản xuất nông nghiệp thường xuyên mất mùa, thất bát khiến nguồn thu nhập bình quân đầu người thấp, thậm chí nhiều gia đình rơi vào cảnh “nghèo bền vững” trong khi KCN chưa được thu hút đầu tư.

Vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác thu hút đầu tư, Nghệ An cũng đã xuất hiện nhiều “ông lớn” trong việc kiến thiết hạ tầng KCN như: VSIP, WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An, VinGroup, Tập đoàn TH, FLC…nên đã giải quyết được một phần việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định.

Hiện nay, một số tập đoàn lớn như VSIP cũng đã về

Hiện nay, một số tập đoàn lớn như VSIP cũng đã về "làm tổ" ở Nghệ An, hứa hẹn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương trong thời gian tới

Mới đây, đại diện Sở LĐTb&XH tỉnh Nghệ An thông tin thì dự báo từ nay đến hết năm 2021, các KCN, Cụm công nghiệp trên địa bàn sẽ cần khoảng 11 nghìn công nhân vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp....

Theo ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, bắt đầu từ năm 2022, do tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư và có nhiều dự án mới đi vào hoạt động, nhu cầu lao động trên địa bàn sẽ thiếu nhiều hơn, dự kiến mỗi năm cần khoảng 12 đến15 nghìn lao động và đến năm 2025 cần khoảng 55 đến 60 nghìn công nhân.

Theo dự báo, đến năm 2025, dân số của Nghệ An sẽ đạt khoảng 3.510.000 người, lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 2.101.880 người. Chính vì vậy, với dự báo mà Sở LĐTB&XH đưa ra thì nhu cầu việc làm đối với người đến độ tuổi lao động ở Nghệ An đến năm 2025 không thể có việc làm ngay tại quê hương sẽ còn dôi dư với số lượng khá lớn.

Được biết, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có chủ trương thu hút các dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực số lượng lớn như may mặc, linh kiện điện tử, đồ gia dụng… về các vùng quê, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Tuy nhiên, để giúp người dân vùng quê “ly nông, không ly hương” thì Nghệ An cũng cần đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn và bài bản hơn nữa. Đặc biệt, công tác cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng về thuế, chi phí cho doanh nghiệp phải được quan tâm, phát triển song song với kiến thiết hạ tầng giao thông, dịch vụ, logistics…