Vâng! Câu chuyện một nữ giáo viên trong miền Tây bị phụ huynh học sinh bắt quỳ xin lỗi ngay tại trường còn chưa lắng xuống, thì mới đây, tại TP Vinh (Nghệ An) lại xảy ra vụ sinh viên thực tập tại Trường mầm non Việt – Lào bị phụ huynh hành hung phải nhập viện điều trị trong tình trạng có nguy cơ sẩy thai, trở thành tâm điểm trong ngành giáo dục.

Trường Mầm non Việt Lào, nơi sinh viên thực tập bị buộc phải quỳ gối. Ảnh: QĐ.

Theo đó, chuyện giáo viên bị phụ huynh đánh, hành hung, chửi rủa, mạt sát đã không phải là hiếm. Đôi khi, chỉ vì nhắc nhở học sinh việc học hay la rầy khi các em vi phạm nội quy. Không ít gia đình kéo theo dăm bảy người, sát khí đùng đùng, hùng hổ xông thẳng vào lớp học để: “Dạy cho nó bài học lần sau chừa con ông bà ra”.

Cũng có không ít giáo viên chỉ dùng roi quất một cái vào mông học trò đã bị chính cha em học sinh ấy tát thẳng tay vào mặt cùng những lời lẻ thách thức trước hàng trăm cặp mắt ngơ ngác của học trò. Cũng có những trường hợp giáo viên dù bị đánh, bị xúc phạm nhưng vẫn phải đến tận nhà phụ huynh năn nỉ họ bỏ qua, đừng viết đơn thưa kiện.

Bởi, chỉ cần có đơn kiện (dù chưa biết đúng sai thế nào) thì không chỉ giáo viên ấy bị kỷ luật mà cả trường cũng bị vạ lây như việc mất hoàn toàn danh hiệu thi đua của năm nhà trường vừa đăng ký. Thậm chí, đã có thầy/cô không chỉ bị phía phụ huynh đánh, lăng nhục còn bị cấp trên của mình thẳng tay đình chỉ dạy học một tháng, bị phạt tiền cũng bằng cả tháng lương.

Trường hợp Trường Mầm non Việt – Lào cho thấy phụ huynh chỉ nhìn sự việc, nghe một chiều nên đã hành động không đúng với giáo viên dạy con mình:

“Tôi chưa kịp giải thích gì thì phụ huynh xông vào đánh, lôi tóc, đấm đá vào vùng bụng, lưng của tôi. Tôi van xin phụ huynh vì tôi đang mang bầu”. Nhưng người phụ huynh này vẫn thể hiện tính côn đồ “Bầu thì bầu, tao đập cho chết luôn. Để giữ an toàn cho thai nhi, đành phải quỳ xuống để xin lỗi” - (Cô giáo thực tập trần tình).

Thực tế đáng buồn đó khiến chúng ta phải chấp nhận một điều là, đời sống kinh tế xã hội vội vã dường như đã cuốn mất đi nhiều giá trị gia đình thiêng liêng của chúng ta. Thời gian con em ở trường/lớp còn nhiều hơn ở với cha/mẹ. Chúng ta giao phó con cái mình cho thầy/cô, nhà trường, nhưng lại ít quan tâm tới việc làm thế nào để cùng người mà mình giao phó đó đưa ra những phương cách giáo dục hiệu quả và hạnh phúc cho con em mình.

Và kết quả là khi có chuyện xảy ra, nghiễm nhiên mọi trách nhiệm đều thuộc về nhà trường và giáo viên. Trong khi chúng ta lại quên rằng, sự nghiệp Giáo dục muốn thành công, cần sự chung tay của cả nhà trường - gia đình - xã hội, chứ không phải riêng một thành tố nào. Nên, chỉ cần xét riêng thành tố gia đình thôi thì đã có nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục cần phải giải quyết.

Đúng là, có đứng trên bục giảng ở xã hội hôm nay mới hiểu áp lực của người làm Thầy. Rất nhiều phụ huynh xấc láo, quyền lực, đã đẩy con em mình đến chỗ thiếu giáo dục cơ bản của gia đình, thiếu tôn trọng thầy, coi thầy như người “bán chữ” .

ThS-GVC Hoàng Ngọc Vĩnh - Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế) cho biết: “Học sinh, phụ huynh đánh thầy là vi phạm nghiêm trọng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Là biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ phụ huynh, học sinh hiện nay. Ngược lại, thì đó hậu quả của sự tha hóa, biến chất về đạo đức của một bộ phận cán bộ, giáo viên”.

Bản thân là người Thầy, người viết không ủng hộ việc dùng “đòn roi” với học sinh, nhưng trong nhiều trường hợp đó là việc cần thiết và xin phụ huynh hãy thực sự thông cảm vì suy cho cùng các thầy/cô có trách nhiệm với nghề và với học trò nên mới làm vậy.

Nói cách khác, việc đồng cảm với người Thầy không có nghĩa là bỏ qua hành động sai trái, mà đó là chúng ta cho người Thầy một cơ hội thứ 2 (nếu có thể) và có những tác động hỗ trợ để người giáo viên nuôi dưỡng những hành vi tích cực hơn. Cũng không nên vội vàng kết luận hay dè bỉu nhân cách của người giáo viên một cách quá vội vàng chỉ thông qua một vài hành vi của họ.

Các cụ đã dạy: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tại sao mọi người không ngẫm nghĩ ý nghĩa của câu nói này, khi 100% em được cha/mẹ nuông chiều, bênh vực đều hư hỏng. Nên đừng ném vào mặt người làm Thầy bằng những ngôn từ tồi tệ khi Thầy chưa có hành động nào gọi là tồi tệ, nếu như không muốn con em mình sau này không có nhân cách, đạo đức.

Ngẫm mà chua xót khi một Thầy là nguyên cán bộ giảng dạy Trường ĐH Nông lâm (Đại học Huế) xin được giấu tên nói vui rằng: “Người Thầy thì ‘đói’ không được than, ‘nghèo’ không được kể khổ, ‘bức xúc’ không được lên tiếng, ‘oan’ không được giãi bày, ‘ức’ cũng phải nhịn, gương mặt lúc nào cũng phải tươi cười như ‘hoa’. Người thầy ngày nay khác xưa rồi em ơi!”

Tại sao đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, tội phạm càng ngày càng trẻ hóa? Vì người Thầy không được coi trọng, môi trường giáo dục không còn an toàn và được phép nghiêm khắc. Và vì học trò, phụ huynh giờ có khi trở thành “ông nội” của giáo viên!

Đúng là, phận người Thầy ngày nay khác xưa nhiều rồi, Thầy nhỉ!