Ông Nguyễn Hoàng Anh - cựu Bí thư Cao Bằng là Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN

Tổ công tác còn có một số tổ phó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Các thành viên thuộc nhiều bộ ngành khác nhau, như Bộ Nội vụ, Tư pháp, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nhóm giúp việc cho tổ là các thành viên đến từ một số bộ ngành.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (15/1/2018).

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ công bố thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trong quý I/2018.

Dự kiến có 30 “ông lớn” nhà nước nằm dưới sự quản lý của ủy ban này, bao gồm 9 tập đoàn (trừ Tập đoàn Viettel) và 21 tổng công ty nhà nước.

Cụ thể, những cái tên đáng chú ý dự kiến được đưa vào là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn,...

Điều đó có nghĩa, vai trò của các bộ trong hoạt động kinh doanh của các DN nhà nước kể trên sẽ chấm dứt. Khi được thành lập, Ủy ban này sẽ quản lý khối tài sản lên đến xấp xỉ 130 tỷ USD của các DN nhà nước.

"Siêu" Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN là mô hình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây là cơ quan chuyên trách quản lý DN nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỉ đồng.