Theo chuyên gia lượng margin của các CTCK chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo chuyên gia lượng margin của các CTCK chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước mở mới 114.810 tài khoản chứng khoán, giảm gần 6.000 tài khoản so với tháng trước đó.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 114.713 tài khoản và 97 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Như vậy, cá nhân trong nước đã có 7 tháng liên tiếp duy trì mức mở mới trên 100.000 tài khoản/tháng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 957.215 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (837.345 tài khoản).

Theo số liệu mới nhất từ Uỷ ban chứng khoán nhà nước, tổng dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tính đến ngày 13/09/2021 ước đạt 141.304 tỷ đồng, tăng 74,62% so với đầu năm 2021.

Để làm rõ hơn vấn đề rủi ro khi lượng tài khoản mở mới tăng cùng với đó là lượng margin trên thị trường cũng đạt mức kỷ lục, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.

- Việc nhà đầu tư mới tham gia đi cùng với margin lớn có gây rủi ro nào không, thưa ông?

Trong thời gian qua lượng nhà đầu tư F0 tiếp tục gia tăng vào thị trường và trong 9 tháng đầu năm lượng tài khoản mở mới đã vượt xa các năm trước, tổng số tài khoản chứng khoán đã lên hơn 3,3 triệu tài khoản, nhưng xét về tổng dân số tỷ lệ vẫn còn thấp, do đó dư địa tăng trưởng nhà đầu tư mới vẫn còn nhiều cho thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.

Tuy nhiên, kéo theo đó, có thể thấy lượng đòn bẩy margin cũng tăng rất nhiều trong thời gian qua. Chúng ta cần lưu ý, thứ nhất quy mô thị trường, quy mô nhà đầu tư tăng lên, đặc biệt với tình hình lãi suất duy trì ở mức thấp, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán. Do vậy, xu hướng gia tăng nhà đầu tư mới có chiều hướng tăng lên như vậy tôi cho rằng lượng margin trong thời gian vừa qua vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay của nhà đầu tư.

Vừa qua cũng có thể thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có sức thu hút dòng tiền mạnh, thông thường nhóm này có thanh khoản cao như vậy nhu cầu sử dụng margin tại nhóm cổ phiếu có xu hướng tăng lên.

Do đó, tôi cho rằng nhu cầu hiện nay vẫn còn lớn hơn rất nhiều so với lượng margin hiện tại của các công ty chứng khoán.

Ngoài ra, việc tăng đột biến và rất nhanh trong thời gian qua tôi cho rằng một phần khách quan do các CTCK chưa thể chuẩn bị kịp ngay kế hoạch theo đà tăng mạnh, vượt kỳ vọng của nhà đầu tư.

Nếu chúng ta đặt ra kỳ vọng trong năm 2025 tỷ lệ nhà đầu tư so với dân số là 5% nhưng hiện tại Việt Nam đã đạt xấp xỉ 3,3% do vậy kế hoạch này sẽ sớm đạt được trong năm 2022-2023 nếu vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như hiện nay.

Lượng margin hiện nay chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư F0 do vậy, thời gian qua các CTCK đang dần thực hiện kế hoạch tăng vốn. Xét về lượng tăng vốn trong thời gian qua chỉ 1 phần nhỏ các CTCK thực hiện kế hoạch tăng vốn. Điều này cho thấy dư địa cho CTCK tăng vốn sẽ vẫn còn rất nhiều.

- Việc lạm dụng đòn bẩy của các nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng ra sao tới bản thân họ thưa ông?

Đối với nhà đầu tư F0 thông thường dành một phần vốn thấp do vậy nhu cầu sử dụng margin là có. Tuy nhiên, theo thống kê thời gian vừa qua lượng margin đang tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đây là các nhóm có biến động mạnh nên rủi ro rất cao trên thị trường khi lượng đòn bẩy chủ yếu tập trung vào những nhóm này.

Nếu lượng đòn bẩy mà tập trung chủ yếu vào nhóm vốn hóa lớn sẽ ít rủi ro hơn.

Đối với những nhà đầu tư F0, xu hướng đòn bẩy tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ điều này có thể tạo ra rủi ro ngắn hạn. Điều này có thể thấy trong thời gian quá rất nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng rất nóng từ thị giá rất thấp dưới 10.000 đồng đã tăng lên rất cao chỉ trong vài tuần.

Nếu nhà đầu tư không dứt khoát cắt bớt margin trong trường hợp rủi ro tăng cao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng còn kéo dài.

- Theo ông nhà đầu tư chỉ nên dùng đòn bẩy trong trường hợp nào, thưa ông?

Sử dụng đòn bẩy hiện nay rủi ro lớn nhất đó là rủi ro mất thanh khoản của một cổ phiếu, như vậy nhà đầu tư không thể thực hiện việc giải phóng đòn bẩy. Để tránh rủi ro này theo tôi có hai vấn đề.

Nhà đầu tư được khuyến khích nên sử dụng đòn bẩy với những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và lớn, nhằm tránh mất thanh khoản.

Thứ nhất, nhà đầu tư nên xác định sử dụng đòn bẩy khi thị trường có xu hướng tăng, xác nhận xu hướng tăng trong ngắn và trung hạn. Như vậy, việc sử dụng đòn bẩy sẽ an toàn hơn.

Thứ hai, việc sử dụng đòn bẩy theo tôi khuyến khích nhà đầu tư nên áp dụng với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa. Còn với những nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có tính chất đầu cơ lớn do có thị giá nhỏ xin lưu ý rủi ro mất thanh khoản rất cao. Khi thị trường gặp bất cứ một biến cố đảo chiều hoặc các cổ phiếu đảo chiều giảm thông thường khi đó các cổ phiếu thị giá nhỏ lâm vào cảnh mất thanh khoản, thậm chí rơi vào những phiên bám sàn liên tiếp mà chúng ta có những thời điểm không thể bán được.

- Xin cảm ơn ông!