Ông Trần Bắc Hà (phải) cùng con trai Trần Duy Tùng (trái) khi cùng tham gia một sự kiện trước đây - Ảnh: Nhadautu

Ông Trần Bắc Hà (phải) cùng con trai Trần Duy Tùng (trái) khi cùng tham gia một sự kiện trước đây.

Đó là vụ án gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, với vai trò là Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà đã “hỗ trợ” cho con trai mình là Trần Duy Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú) góp vốn sai quy định vào Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (LaoVietBank, ngân hàng có trụ sở tại Lào). Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, hành vi của Trần Duy Tùng có dấu hiệu “vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới”, “rửa tiền”.

Cụ thể, theo điều tra, Tập đoàn An Phú nói trên là của Trần Duy Tùng nhưng Tùng lại nhờ Trần Anh Quang (cháu ông Trần Bắc Hà) và Thái Thành Vinh đứng tên tham gia góp vốn. Riêng Quang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT giúp Tùng. Tập đoàn An Phú được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để thành lập liên doanh Công ty SHH Viêng Chăn (ngày 22/9/2015) với số vốn đầu tư ra nước ngoài là hơn 13,4 triệu USD (hơn 293 tỉ đồng, tương đương 49% vốn điều lệ).

Năm 2013, để Công ty SHH Viêng Chăn được góp vốn tại LaoVietBank, ông Trần Bắc Hà đã ký công văn gửi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ cho LaoVietBank, cho phép BIDV góp bổ sung vào LaoVietBank 19,5 triệu USD (tương đương 410 tỉ đồng). Tiếp đó ông Hà nhiều lần ký văn bản gửi thủ tướng Lào đề xuất Chính phủ Lào giao BIDV lựa chọn cổ đông mới tham gia đầu tư vào ngân hàng này.

Đến năm 2015, LaoVietBank chấp thuận cho Công ty SHH Viêng Chăn góp 10% vốn điều lệ tương đương 10,4 triệu USD.

Theo báo cáo ngày 30/9/2015 của Trần Anh Quang, ngày 23/12/2015, Tập đoàn An Phú đã chuyển sang Lào 4 triệu USD từ tài khoản công ty mở tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định. Tuy nhiên đó chỉ là trên giấy tờ, thực chất từ ngày 30/8/2013 đến 13/1/2015, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đã nộp 10,4 triệu USD tiền mặt vào tài khoản của Thái Thành Vinh mở tại LaoVietBank.

Sau đó, ngày 1/7/2015, 10 triệu USD này đã dùng để góp 10% vốn điều lệ tại LaoVietbank. Toàn bộ số tiền 10 triệu USD (tương đương 81,5 tỉ đồng vào thời điểm đó) đã được xác nhận là tiền của Trần Duy Tùng, mượn danh nghĩa Công ty Outhid Houng Heung (do Trần Anh Quang thành lập dưới sự chỉ đạo của con trai ông Trần Bắc Hà) tham gia góp vốn vào Công ty SHH Viêng Chăn để góp vốn vào LaoVietBank.

Bên cạnh đó, toàn bộ cổ tức trị giá hơn 2,3 triệu USD mà LaoVietbank trả cho Công ty SHH Viêng Chăn thì chính Trần Duy Tùng là người quản lý và sử dụng cá nhân, không chuyển về nước theo quy định điều 65 luật Đầu tư năm 2014.

Từ đó, Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, việc Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn, thực hiện góp vốn vào LaoVietbank là để hợp thức hoá và che giấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Trần Duy Tùng, Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang. Đồng thời hợp thức hoá số tiền 10,4 triệu USD tiền mặt Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đầu tư trái phép sang Lào, nộp gửi tiết kiệm tại LaoVietbank. Sau đó dùng để góp vốn vào LaoVietBank cho Công ty SHH Viêng Chăn thông qua Công ty Outhid Houng Heung.

Theo CQĐT, hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Tùng và Vinh có dấu hiệu của tội “vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” và "rửa tiền".

>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 1: “Xóa dấu vết” qua bất động sản

Đối tượng Đỗ Ngọc Hà, “trùm” đường dây cá độ thường lên mạng xã hội khoe tài sản đắt tiền.

Đối tượng Đỗ Ngọc Hà, “trùm” đường dây cá độ thường lên mạng xã hội khoe tài sản đắt tiền.

Theo các chuyên gia pháp lý, ngoài vụ án này, thông qua hoạt động điều tra, xét xử nhiều vụ án khác thời gian qua cho thấy thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức doanh nghiệp cũng như nhà nước là vô cùng lớn. Trong đó, nhiều vụ tài sản bị chiếm đoạt, tham ô lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền, tài sản được các đối tượng chủ yếu sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân mua sắm nhiều bất động sản, ô tô sang, hàng hiệu…, góp vốn đầu tư vào các doanh nghiêp,… sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn “tiền bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm hòng che dấu, tẩu tán tài sản.

Điển hình như trong vụ việc triệt phá đường dây đánh bạc 30.000 tỷ đồng do đối tượng Đỗ Ngọc Hà (còn gọi là Hà Miên, trú tại quận Long Biên) cầm đầu, theo cơ quan chức năng, số tiền mặt thu được trong vụ án này là không đáng kể.

Lý giải điều này, theo Công an huyện Gia Lâm, rút kinh nghiệm từ những vụ án trước, các đối tượng sau này đã rất ít khi sử dụng giao dịch tiền mặt và dùng các thủ đoạn để che giấu đi nguồn tiền thu được, ẩn giấu số tài sản bất chính mà chúng thu được từ việc cá độ.

Một cán bộ Công an huyện Gia Lâm cho biết, các đối tượng đi mua chứng minh nhân dân trôi nổi trên mạng sau đó làm giả hồ sơ để mở tài khoản ngân hàng, nhằm phục vụ cho việc giao dịch tiền cá độ nên gây khó cho công tác điều tra, bởi khi xác minh được chủ tài khoản thì lại tìm ra một người khác.

Trong vụ án này, ngoài việc ẩn giấu số tiền thu được, những đối tượng “trùm” đường dây cá độ còn sử dụng các chiêu trò “rửa tiền” thông qua hình thức đầu tư kinh doanh, góp vốn vào các công ty khác.

Như trường hợp của đối tượng “Hà Miên”, đây là một đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội về độ ăn chơi xa xỉ khi dùng quá nhiều đồ hiệu đắt tiền mà giới dân chơi truyền tai nhau rằng “nếu bán thanh lý nhanh cũng hàng chục tỷ”.

Trước khi bị bắt giữ, “Hà Miên” đã liên kết với một công ty chuyên buôn bán xe hạng sang nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), thông qua một người trong công ty này, đối tượng “Hà Miên” đã chuyển tiền để mua các siêu xe về bán, mỗi khi bán được, phía công ty này sẽ chuyển lại phần tiền gốc và lãi cho “Hà Miên”. Theo cơ quan công an, sau khi “Hà Miên” bị bắt, vẫn còn nhiều xe sang có nguồn gốc từ tiền của đối tượng này chuyển sang để mua đang nằm trong cửa hàng của công ty nêu trên.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về giải pháp ngăn chặn tội phạm rửa tiền hiện nay, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoạt thiện các quy định của pháp luật, cần phải tăng các chế tài xử phạt.

Đồng thời, để hoạt động chống rửa tiền đạt được hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan cũng như khuyến khích việc tố giác, tố cáo và cung cấp thông tin từ quần chúng nhân dân.

“Trong cuộc chiến này, vai trò của các tổ chức tài chính, tín dụng cần “đậm nét” hơn nữa nhằm nâng cao khả năng phát hiện, giám sát các giao dịch nghi ngờ, các giao dịch bất thường, không rõ nguồn gốc để báo cáo với các cơ quan liên quan”, luật sư Luân nói.

Bên cạnh đó cũng theo vị chuyên gia này, các Bộ, ngành cũng cần chủ động, tích cực hơn trong hoạt động phối hợp cung cấp thông tin và tổ chức triển khai các giải pháp, tránh những trường hợp như vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ với các tội danh như rửa tiền, tổ chức đánh bạc... mà phải mất một thời gian dài mới bị phát hiện.

“Cần chú trọng nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ làm công tác chuyên trách không chỉ trong ngành Công an mà cả ngành Ngân hàng. Đồng thời phải đẩy mạnh triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử… qua đó có thể công khai và kiểm soát được các giao dịch đáng ngờ, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống rửa tiền”, luật sư Nguyễn Thành Luân nói.