Được đánh giá là ngành có nhu cầu lớn lao động, thế nhưng nguồn nhân lực cho ngành logistics trong nước lại chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp logistics đang rất “đói” nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao: có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực logistics và sử dụng tiếng Anh tốt...

p/Dù lương cao nhưng lĩnh vực Logistics luôn “đói” nhân lực.p/

Dù lương cao nhưng lĩnh vực Logistics luôn “đói” nhân lực.

Thảm đỏ vẫn bị bỏ ngỏ

Công ty THHH vận tải Hải Phòng (Hải Phòng Traco) là doanh nghiệp nội 100% hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: cho thuê tàu vận tải biển; kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Nhiều năm nay, Traco Hải Phòng nổi như cồn với mức nộp ngân sách lên đến trên 100 tỉ đồng. Đội ngũ nhân sự ở đây được tuyển dụng bài bản, làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Tiêu chí đãi được công ty đề ra thẳng thắn: Không có nhân viên thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng.

Giám đốc Traco Hải Phòng Vũ Minh Hiền cho biết, có những vị trí trong công ty sẵn sàng trả lương lên đến 80 – 90 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không tìm được người.

Hãng tàu GLS cũng 100 vốn trong nước. Không phải là hãng tàu lớn như các hãng tàu nước ngoài song GLS cũng là địa chỉ tuyển dụng lao động khá khắt khe. Ông Nguyễn Công Thắng, cán bộ GLS Hải Phòng cho biết, ngoài yêu cầu có bằng cấp theo đúng chuyên môn, nhân sự GLS sẽ được đơn vị đào tạo lại sát với thực tế công việc.

Gemadept Logistics (công ty con thuộc tập đoàn Gemadept) cũng là mơ ước của nhiều người bởi môi trường làm việc năng động và thu nhập... ngất ngưởng. Tuy nhiên, để đặt chân được vào công ty này, các ứng viên phải tốt nghiệp đại học các ngành Kinh tế, Ngoại thương, Hàng Hải, GTVT, đồng thời có khả năng làm việc dưới áp lực cao, khả năng phân tích nhanh và xử lý các tình huống khi phát sinh, khả năng tính toán, phân tích đánh giá số liệu,...

Có thể thấy không chỉ doanh nghiệp ngoại mới “hào phóng” để “chiêu hiền đãi sĩ” mà ngay cả doanh nghiệp nội cũng sẵn sàng móc hầu bao tìm người tài. Thế nhưng không phải lúc nào các doanh nghiệp logistics cũng tìm được nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc.

Đào tạo logistics đang thiếu thực hành

Logistics là lĩnh vực “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có môi trường tiếp cận và sự kết nối với bên ngoài nhiều nhất. Thêm nữa, ngay chính nhân viên làm logistics vốn đã không được đào tạo bài bản mà chỉ được đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên thiếu tính chuyên nghiệp và xử lý các tình huống khi phát sinh, khả năng tính toán, phân tích đánh giá số liệu,...

Bà Phạm Lan Hương, Trưởng phòng Kinh doanh của Vinafco cho rằng, nguồn nhân lực là thách thức lớn nhất hiện nay với lĩnh vực logistics. Từ trước đến nay, việc đào tạo nhân lực logistics còn thiếu bài bản, kỹ năng mềm còn yếu và đặc biệt là ngoại ngữ. “Để khắc phục yếu kém nguồn nhân lực logistics hiện nay cần phải đào tạo kiến thức logistics bài bản, đặc biệt tiếng Anh và CNTT thành thạo cho các nhân viên. Thêm nữa, các sinh viên sau khi được đào tạo trong trường cần được thực hành tại môi trường logistics chuyên nghiệp”, bà Hương cho biết.

Với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, dự báo đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 200.000 lao động trong lĩnh vực logistics. Đào tạo nhân lực logistics được xem như “cuộc cách mạng”. Thực tế, không riêng gì logistics, hầu hết nhân sự liên quan đến vận tải khi vào làm việc tại doanh nghiệp đều phải đào tạo lại vì đào tạo tại các trường đại học không thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chuẩn bị tổ chức Hội nghị một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại gắn với phát triển logistics (dự kiến tháng 5/2018).

=>> DĐDN sẽ tiếp tục về vấn đề này.