Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP được đề cập lần đầu tiên tại hội nghị cấp cao ASEAN năm 201, bao gồm một cường quốc mới nổi khác là Ấn Độ. Hiệp định này được xem như một quan hệ đối tác bao trùm hơn 3,5 tỷ người với khoảng 1/3 GDP toàn cầu, vượt qua Liên minh Châu Âu và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA. 

Tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, chủ yếu là do lo ngại rằng ngành nông nghiệp của nước này sẽ ngập trong hàng nhập khẩu

Tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, chủ yếu là do lo ngại rằng ngành nông nghiệp của nước này sẽ ngập trong hàng nhập khẩu

Các cuộc đàm phán tưởng như đã đạt được đến bước cuối cùng vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh và những quốc gia thành viên RCEP coi mình là những quốc gia đại diện cho thương mại tự do. Nhưng sau đó, vào tháng 11/2019, Ấn Độ tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định do lo ngại rằng ngành nông nghiệp của quốc gia này sẽ ngập trong hàng nhập khẩu. Trong một khoảnh khắc, toàn bộ thỏa thuận dường như có nguy cơ sụp đổ.

Tuy nhiên, 15 quốc gia còn lại đã nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán "về văn bản cũng như những thỏa thuận liên quan tới hầu hết tất cả các vấn đề tiếp cận thị trường." Nhưng đó là câu chuyện chỉ vài tháng trước khi COVID-19 càn quét thế giới.

Với việc các nền kinh tế đang phải hứng chịu những cơn “chấn động” lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra, RCEP giờ đây được xem như một chất xúc tác để các quốc gia khởi động lại nền kinh tế của mình.

Các nhà đàm phán từ các quốc gia khác nhau phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực lần thứ tám vào tháng Tám. (Hình ảnh lấy từ trang web của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản)

Các nhà đàm phán từ các quốc gia khác nhau phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực lần thứ tám vào tháng Tám. (Hình ảnh lấy từ trang web của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản)

Tuy nhiên, đối với một số bên tham gia chính - đặc biệt là Nhật Bản và Australia - những hy vọng “nương vào” RCEP để phục hồi sau đại dịch đã xen lẫn với những lo ngại dai dẳng về một hiệp ước mà trong đó sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng lớn.

Trên thực tế, thế giới đã đặt hy vọng vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự hiện diện của Mỹ và Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm Ấn Độ, sẽ là những tác nhân cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, cả hai Hiệp định này cùng sự rút lui của các “ông lớn” đã khiến bàn cờ thương mại toàn cầu thay đổi.

Một quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - cơ quan giám sát các cuộc đàm phán RCEP, cho biết: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng thỏa thuận cuối cùng của RCEP không biến Hiệp định này thành một sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu”.

Trong khi đó, sự bất an của Australia còn gay gắt hơn, do mối quan hệ của quốc gia Châu Đại dương này với Trung Quốc đã nhanh chóng xấu đi. Bắt nguồn từ những cáo buộc can thiệp chính trị của Trung Quốc, tiếp cận thị trường 5G và các vấn đề khác đã khiến mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh đó, Australia vẫn không từ bỏ hy vọng rằng có thể thuyết phục Ấn Độ quay trở lại RCEP. Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nhấn mạnh rằng "cánh cửa vẫn mở cho New Delhi.”

Tim Harcourt, một nhà kinh tế học tại Đại học New South Wales, cho biết ông cho rằng "chính phủ Australia vẫn đang cố gắng thuyết phục New Delhi vì tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đã tăng lên trong khu vực."

Tuy nhiên, đáp lại những thông điệp từ phía Australia, New Delhi vẫn không mấy mặn mà. Khi nói đến các hiệp định thương mại tự do và liên minh, "điều quan trọng duy nhất... là lợi ích quốc gia của chúng tôi", Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết vào ngày 4/9 vừa qua, "RCEP dường như không phải là thứ mang lại lợi ích cho Ấn Độ, cả hiện tại và tương lai."

Điều này khiến Nhật Bản, Australia và những quốc gia thành viên khác phải lựa chọn. Và dường như những quốc gia còn lại đã chọn giải pháp tiếp tục tiến lên! Chủ tịch Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore Simon Tay cho biết: “Mục đích ban đầu của RCEP vẫn có ý nghĩa, ngay cả khi không có Ấn Độ. Năm ngoái, tại hội nghị cấp cao ASEAN, khi rõ ràng rằng Ấn Độ không muốn tham gia, có một số ý kiến rằng chúng ta không nên tiếp tục nếu không có Ấn Độ. Trong hai lựa chọn, tôi nghĩ chúng tôi đã lựa chọn khôn ngoan hơn - hãy tiếp tục, và để ngỏ cánh cửa tới Ấn Độ. "

Ông Tay nói thêm rằng điểm mấu chốt hiện nay "là chúng tôi phải chứng minh rằng RCEP là có ý nghĩa, và mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên" và Hiệp định này không gây ra những nguy cơ như Ấn Độ lo ngại.

Đối với các quốc gia thành viên ASEAN, việc tuân thủ RCEP ngay cả khi không có Ấn Độ là điều nên làm. Thủ tướng mới của Nhật Bản Yoshihide Suga, đã tuyên bố sẽ thực hiện các chính sách của người tiền nhiệm Shinzo Abe, nghĩa là tuân thủ các nguyên tắc của các Hiệp định thương mại đã thỏa thuận. Và chính phủ Australia đã xác nhận rằng họ vẫn hoàn toàn có ý định ký kết trong năm nay.

"Khi các nền kinh tế RCEP phát triển, thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia trong khắp khu vực", ông Birmingham nói. "Với 1/5 việc làm của Australia liên quan đến thương mại, các doanh nghiệp của chúng tôi càng có nhiều cơ hội giao thương, thì chúng tôi càng có thể tiếp tục tạo ra nhiều việc làm tại địa phương."

Rất “tha thiết” với RCEP, tuy nhiên cả Nhật Bản và Australia đều đang lên các phương án phòng ngừa những rủi ro có thể đến từ phía Trung Quốc. Vào đầu tháng 9, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã đi đến một thống nhất trong việc khởi động một sáng kiến riêng biệt nhằm vào "khả năng phục hồi" của chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - nói cách khác là các chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tương tự, Nhật Bản đã thúc đẩy hợp tác tương tự với các nước ASEAN và dự kiến sẽ tìm cách để kết hợp hai mục tiêu. Các quan chức Nhật Bản khẳng định rằng động thái với Australia và Ấn Độ không nhằm mục đích là xây dựng một hiệp định thương mại tự do như RCEP. Theo Giáo sư Pankaj Jha – người chuyên nghiên cứu về vấn đề chiến lược tại Đại học Toàn cầu OP Jindal nhận định thì đây được coi là một "kế hoạch B" của Ấn Độ.

Jha cho biết mối quan hệ đối tác ba giữa Nhật Bản, Australia và Ấn Độ không phải là điều gây ngạc nhiên do cả ba quốc gia này đều có những “ân oán” sâu nặng với Trung Quốc.

Với việc Ấn Độ, Australia và Nhật Bản có ý định xây dựng một thoả thuận thương mại tự do của riêng họ, song song theo đuổi RCEP cho thấy một tương lai có vẻ tương đối rõ ràng khả năng RCEP sẽ được ký kết vào tháng 11 năm nay. Giới quan sát dự đoán ngay cả khi vẫn còn một vài điểm chưa thống nhất, 15 quốc gia thành viên hoàn toàn có thể ký một "thỏa thuận nguyên tắc".

Một sự gia hạn khác không phải là một lựa chọn của các quốc gia thành viên, vì theo một quan chức giấu tên trong khu vực ASEAN nhận định “nếu chúng tôi không đồng ý và ký vào thỏa thuận lần này, chúng tôi có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận. Chúng tôi đã đàm phán trong gần một thập kỷ. Chúng tôi đã kiệt sức và sẽ không còn sức cho một năm đàm phán nữa.”