>>>Tăng hỗ trợ để tận dụng hiệu quả FTA

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan,Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua ngành Hải quan luôn tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam nói riêng.

Ông Đào Duy Tám (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Đào Duy Tám (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại tọa đàm.

Cụ thể, cơ quan Hải quan đã thực hiện rà soát, xác lập tiêu chí quản lý rủi ro để đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình làm thủ tục Hải quan nhằm giảm tối đa tỷ lệ hàng hóa kiểm tra thực tế đối với các mặt hàng trong lĩnh vực này.

Theo ông Tám, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng tờ khai hàng hóa xuất khẩu khoảng 4 triệu tờ khai. Trong đó, tỷ lệ tờ khai luồng đỏ phải kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ chiếm 2,3%; tỷ lệ luồng vàng 18,6%, riêng tờ khai luồng xanh chiếm tỷ lệ gần 80%.

“Qua đó cho thấy, đối với hàng hóa xuất khẩu đều được cơ quan Hải quan ưu tiên miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu”, ông Tám nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đào Duy Tám, từ đầu năm 2022, ngành Hải quan đã triển khai cung cấp phần mềm miễn phí cho doanh nghiệp để thực hiện kê khai hải quan. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí liên quan đến mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, mua sắm phần mềm sử dụng khai hải quan cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với định hướng sắp tới của cơ quan Hải quan khi xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh.

“Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Chỉ thị 384 về định hướng hải quan phi giấy tờ. Theo đó, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan ban ngành thực hiện cắt giảm hồ sơ thủ công bằng giấy sẽ định hướng sang thủ tục điện tử; các giấy phép kiểm tra chuyên ngành sẽ chuyển sang số hóa và chứng từ hóa”, ông Đào Duy Tám cho biết.

Trong khi đó, ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Theo đó, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thế mạnh của Việt Nam, doanh nghiệp nên tận dụng các FTA đã có hiệu lực.

Ông Thiện cho biết, hiện đã có 15 FTA có hiệu lực, nhưng theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng được các FTA này còn rất ít. Trong năm 2021, tỷ lệ tận dụng chỉ ở mức 33%, trong đó bao gồm cả 4 FTA đã hoàn thành chương trình cắt giảm thuế quan.

“Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi thấy nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc tận dụng lợi thế từ các FTA vì cho rằng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này hiện đã được hưởng thuế suất 0% nên không cần xin C/O nữa. Thậm chí, có doanh nghiệp không biết cách xin C/O cho hàng hóa của mình”, ông Thiện cho biết.

ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh.

Ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh.

Cũng liên quan tới vấn đề C/O, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, khi nhập khẩu điều thô về chế biến để xuất khẩu, Công ty Phúc Sinh thường sử dụng C/O form B - loại C/O không có ưu đãi về thuế. Để xin được C/O form B thì phải đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí là tiêu chí chuyển đổi phân nhóm (CTSH), tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị (LVC) và tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO).

Ông Thông cho rằng, hiện đa số doanh nghiệp Việt Nam xin C/O form B theo tiêu chí WO, tuy nhiên tiêu chí này doanh nghiệp rất khó đạt được. Ví dụ mặt hàng điều, có tới 40 - 60% điều nhân xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Tại Công ty Phúc Sinh, khi xin C/O form B theo tiêu chí WO đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, truy xuất và kê khai bảng kê. Tiếp đó là thách thức khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan.

“Chúng tôi đã tham vấn bộ phận pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các bộ hồ sơ xin xuất xứ của các lô hàng hạt điều nhóm HS code 08013200 và nhận được công văn trả lời rằng: để đạt được C/O form B không có ưu đãi thuế doanh nghiệp chỉ cần đạt 1 trong 3 tiêu chí WO hay CTSH hay LVC. Trong đó, tiêu chí CTSH và LVC thì dễ dàng và có sự chủ động từ doanh nghiệp, còn tiêu chí WO thì bị động từ nhà cung cấp. Do đó, VCCI và cơ quan Hải quan nên có khuyến cáo rộng rãi cho các doanh nghiệp để thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục về C/O”, ông Phan Minh Thông đề xuất.

Bà Bùi Hoàng Yến - Tổ Phó Tổ Công tác miền Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cũng lưu ý các giải pháp để tận dụng cơ hội xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản mà EVFTA mang lại. Cụ thể, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Để tận dụng được ưu đãi từ hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

“Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU”, bà Bùi Hoàng Yến khuyến nghị.