f

Lãi dự thu của VietABank trong 9 tháng đầu năm nay tăng 157 tỷ đồng lên mức hơn 2.611 tỷ đồng

Theo khảo sát của phóng viên với 20 ngân hàng, thì chỉ có 7 ngân hàng giảm được lãi dự thu, trong khi có tới 13 nhà băng ghi nhận lãi dự thu tiếp tục tăng. Tính chung, lãi dự thu của 20 ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 9 là 103.333 tỷ đồng, tăng 5.870 tỷ đồng so với cuối năm 2018 (tăng 6%).

Chẳng hạn, lãi dự thu của LienVietPostBank tăng 406 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay lên mức hơn 4.212 tỷ đồng; lãi dự thu của VietCapitalBank tăng 145 tỷ đồng lên mức gần 1.150 tỷ đồng; lãi dự thu của VietABank tăng 157 tỷ đồng lên mức hơn 2.611 tỷ đồng…

Ở chiều ngược lại, dù ACB giảm được 414 tỷ đồng lãi dự thu xuống còn 3.043 tỷ đồng, nhưng vẫn ở mức cao; hay như Eximbank giảm được 73 tỷ đồng lãi dự thu xuống còn 1.115 tỷ đồng…

Đáng chú ý, có những ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận trước thuế lớn hơn 1 (tức lãi dự thu lớn hơn lợi nhuận trước thuế), thậm chí lãi dự thu của một số ngân hàng còn lớn hơn lợi nhuận trước thuế tới 5-6 lần.

Theo các chuyên gia tài chính, về nguyên tắc, việc các nhà băng ghi nhận lãi dự thu không có gì là sai. Tuy nhiên theo quy định của Thông tư 16/2018/TT-BTC, các ngân hàng chỉ được hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn, không phải trích dự phòng rủi ro, tức là chỉ được hạch toán lãi phải thu của các khoản nợ thuộc nhóm 1.

Còn với số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập, các nhà băng thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Thế nhưng, không ít ngân hàng vẫn hạch toán lãi dự thu đối với các khoản nợ đã bị quá hạn, dẫn đến việc phản ánh sai kết quả lợi nhuận. Trên thực tế, Kiểm toán Nhà nước cũng đã từng nhận định nhiều ngân hàng đã sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn là lãi dự thu của các khoản nợ đã được cơ cấu lại.

Mặc dù việc thoái lãi dự thu chắc chắn sẽ khiến bức tranh lợi nhuận của nhiều nhà băng không còn đẹp nữa. Đơn cử như trường hợp của VietinBank đã chấp nhận giảm mạnh lợi nhuận trong quý 4/2018 để tái cơ cấu tài sản và thoái lãi dự thu. Nhờ đó, hiện lãi dự thu của VietinBank còn nhỏ hơn cả so với Vietcombank cho dù tổng tài sản còn lớn hơn.

Tuy nhiên, đó là việc phải làm ngay bởi việc ghi nhận lãi ảo từ lãi dự thu có thể khiến bức tranh tài chính phản ánh sức khỏe của các nhà băng bị méo mó, và nếu như khoản dự thu này thực sự không thu được sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của ngân hàng.

NHNN cũng tỏ ra rất kiên quyết với vấn đề này khi đã có văn bản nhắc nhở các nhà băng phải thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh và thực hiện thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định của pháp luật.

Mặc dù Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu cho phép các ngân hàng được phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của khoản nợ xấu mà ngân hàng chưa thoái theo quy định trong thời gian tối đa 10 năm, thế nhưng việc lãi dự thu chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng cao tại một số ngân hàng. Đây là điều rất đáng phải lưu tâm.