Theo thông tin từ VTV, ngày 12/4, Toán án Nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa vụ án thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại Ban quản lý Dự án (BQLDA) mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) ra xét xử.

Đây là một trong số 5 vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm 2021.

Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự được xác định là TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

14 năm vẫn không về đích

TISCO II (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) dừng thi công từ năm 2013 đến nay, khiến tình hình tài chính Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lâm vào cảnh khó khăn; đặc biệt đời sống công nhân, người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Dự án TISCO II ngừng hoạt động từ nhiều năm nay.

Dự án TISCO II ngừng hoạt động từ nhiều năm nay.

Dự án Tisco - II có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, với gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim giá trị hơn 160 triệu USD, do Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) là Tổng thầu EPC, hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện trong 30 tháng.

Do bối cảnh chung ở thời điểm triển khai dự án gặp khủng hoảng kinh tế khu vực, khiến chi phí tài chính tăng quá cao, nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi.

Vì vậy, đến năm 2013, dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so ban đầu), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn "án binh bất động" vì không bố trí được nguồn vốn.

Hiện tại, 93% thiết bị đã ở công trường nhưng cả ba hợp phần của dự án vẫn dang dở, khiến một số thiết bị đã lắp đặt ngoài trời bị xuống cấp sau một thời gian dài dầm mưa dãi nắng.

Trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2019, Ban kiểm soát Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) nhận định công ty đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Nợ phải trả chiếm 82% tổng nguồn vốn. Đến cuối năm 2019, hơn 615 tỷ đồng nợ gốc của TISCO đã rơi vào tình trạng quá hạn, nợ phải trả ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 2.885 tỷ đồng; tổng quy mô nợ vay của TISCO xấp xỉ 4.853 tỷ đồng, đóng góp hơn một nửa nguồn vốn.

Đối với khoản vay nợ cho Dự án TISCO II, dư nợ đến cuối năm 2019 tăng thêm 284 tỷ đồng, đạt 3.565 tỷ đồng. Các khoản trên đều được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai.

TISCO II (dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) dừng thi công từ năm 2013 đến nay, khiến tình hình tài chính Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lâm vào cảnh khó khăn; đặc biệt đời sống công nhân, người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 và lũy kế cả năm vừa công bố, trong quý cuối năm 2020, doanh thu thuần của Tisco đạt 2.556 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn giảm sâu hơn, công ty vẫn có lợi nhuận gộp tăng trưởng 14%, lên mức 128 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu tài chính vỏn vẹn 6,8 tỷ đồng, chi phí lãi vay vẫn neo ở ngưỡng 33 tỷ đồng mặc dù đã giảm 17%; chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp ghi nhận lần lượt là 17 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.

Chốt quý, Tisco báo lãi sau thuế 3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12 triệu đồng cùng giai đoạn năm 2019.

Năm 2020, nhà máy gang thép "ồn ào" Tisco báo lãi sau thuế giảm 54%, chỉ còn 18,8 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này là do doanh thu thuần sụt giảm và chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tài chính.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 9.357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Trong đó, công ty chỉ ghi nhận 126 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, các khoản phải thu ngắn hạn còn 523 tỷ đồng (giảm 18%), hàng tồn kho còn 1.248 tỷ đồng (giảm 8%)...

Chiếm phần lớn vẫn là nhóm tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang: 5.697 tỷ đồng (dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn II). Đây là dự án có vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 tuy nhiên đến nay vẫn "đắp chiếu" và khiến không ít cán bộ công ty, đơn vị liên quan vướng vào vòng lao lý.

Tình hình vay nợ vẫn chưa có chuyển biến tích cực, tổng dư nợ vay vẫn chiếm hơn 4.567 tỷ đồng trong tổng số nợ phải trả là 7.460 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.897 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Kiểm soát, Tisco đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng. "Việc mất cân đối 2.505 tỷ đồng khiến Tisco có khả năng vỡ nợ, nguy cơ phá sản hiện hữu", báo cáo nêu.

Nhiều tài sản bị kê biên

Sau 13 năm kể từ ngày bắt đầu triển khai, đến nay, Dự án TISCO II vẫn là công trình dở dang. Tới đây, vụ án sẽ được chính thức đưa ra xét xử.

Theo cáo trạng, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, việc cấp quyết định đầu tư do Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.

Năm 2007, TISCO đã ký hợp đồng EPC với đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỷ đồng).

Các bị can trong vụ án

Các bị can trong vụ án

Năm 2012, bị cáo Trần Văn Khâm (người đại diện vốn chính của VNS tại TISCO) ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng gần 4.300 tỷ đồng so với vốn ban đầu. Năm 2013, VNS xin ý kiến Bộ Công Thương và bộ này đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận.

Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng Giám đốc TISCO) đã không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng với MCC, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án.

Cụ thể, bị cáo Mừng đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS đề nghị cho giải quyết đặc cách phạm vi được điều chỉnh về giá thiết bị và các chi phí khác với dự án.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cáo xác định, hành vi của bị cáo Mừng đã khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng (đây là khoản lãi vay hàng tháng TISCO đã trả cho các ngân hàng trên tổng số vốn vay trên 3.000 tỷ để đầu tư dự án).

Trong khi đó, bị cáo Mai Văn Tinh bị cáo buộc có các hành vi sai phạm khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng,...

Trên thực tế, ông Mừng, Tinh và đồng phạm lại chỉ đạo, bàn bạc, trao đổi, đề xuất, thống nhất để tiếp tục ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chi phí (dự toán) phần C hợp đồng EPC số 01 #..., gây bất lợi cho TISCO.

Hậu quả khiến dự án bị chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, thất thoát của Nhà nước hơn 830 tỷ đồng.

Đối với bị can Trần Trọng Mừng, ngày 30/5/2019, cơ quan chức năng đã kê biên tài sản nhà, đất tại ở Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, nhà đất tại Lương Sơn, Hòa Bình.

Kê biên của bị can Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) 2 tài sản nhà, đất tại TP Thái Nguyên, căn hộ chung cư tại Thái Hà, nhà đất tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh, Hoài Đức, nhà đất tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, thửa đất tại Thái Nguyên.

Bị can Mai Văn Tinh bị kê biên căn hộ chung cư tại Láng Hạ, là tài sản của vợ chồng ông Tinh đã tặng cho con gái.

Ông Đậu Văn Hùng (cựu TGĐ Tổng công ty Thép Việt Nam) bị kê biên 5 tài sản nhà, đất ở TP.HCM.