1. Anh và Canada khởi động đàm phán FTA

Vương quốc Anh và Canada vừa tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do song phương trong bối cảnh nước này tìm cách thúc đẩy tiếp cận thương mại kể từ khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hai năm.

2. Ông Charles Michel tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu 

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã bầu ông Charles Michel tiếp tục nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu thêm 1 nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Hội đồng châu Âu cho biết nhiệm kỳ mới của ông Michel sẽ bắt đầu từ ngày 1/6 năm nay đến 30/11/2024.

3. Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine 

Nghị quyết do Ukraine đưa ra và được hơn 100 nước thành viên LHQ bảo trợ là nghị quyết thứ hai được thông qua trong tháng 3 này tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 11 do ĐHĐ LHQ tổ chức. Các nước thành viên LHQ hy vọng nghị quyết thứ hai, cùng với nghị quyết thứ nhất thông qua hôm 2/3 vừa qua, sẽ tác động tích cực thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine.

4. Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa đạn đạo mới

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên xác nhận vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới Hwasongpho-17 của các lực lượng chiến lược Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thực hiện vào ngày 24/3. Vụ phóng thử tên lửa này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

5. Nga yêu cầu châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble

Tổng thống Nga Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới "những nước không thân thiện”, trong đó có tất cả các nước thành viên EU. Tổng thống Putin chỉ đạo ngân hàng trung ương Nga triển khai hệ thống thanh toán mới trong vòng một tuần.

6. Nga tuyên bố chưa có đột phá trong hòa đàm với Ukraine 

Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết cho đến nay, các cuộc hòa đàm chưa có tiến bộ đáng kể nào, do đó, Tổng thống hai nước chưa có thỏa thuận nào để thông qua. Theo ông, chỉ có thể thảo luận về cuộc gặp giữa hai Tổng thống khi hai bên đã nhất trí với các kết quả đàm phán.

7. Indonesia chuẩn bị kế hoạch từng bước khôi phục kinh tế sau đại dịch

Việc chuẩn bị này đi kèm với việc mở rộng cơ sở cấp thị thực (VOA) cho du khách nước ngoài từ 42 quốc gia thay vì 23 quốc gia trước đây. Dự kiến, trong vài tháng tới, nước này sẽ thực hiện quá trình bình thường hóa cuộc sống và điều này cần mọi sự hỗ trợ. Nếu thời gian nghỉ Tết Eid al-Fitr diễn ra suôn sẻ, thì quá trình này sẽ được tiếp tục và sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh tế trong cộng đồng.

8. Australia, Ấn Độ ký kết loạt thỏa thuận hợp tác trị giá 130 triệu USD

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 21/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã công bố một loạt thỏa thuận hợp tác mới với tổng trị giá gần 190 triệu AUD (130 triệu USD). Cũng tại cuộc họp, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một hiệp định thương mại tự do tạm thời giữa hai nước, dự kiến có thể sẽ được ký kết vào cuối tháng Ba này.

9. Rơi máy bay chở 133 hành khách ở Trung Quốc

Theo đó, chiếc máy bay của hãng hàng không China Eastern khởi hành từ Côn Minh đã gặp "tai nạn" tại khu vực Quảng Tây và gây ra đám cháy trên núi. Theo CCTV, chiếc máy bay gặp nạn là loại Boeing 737. 

10. Châu Âu tìm cách đối phó với đà tăng giá năng lượng

Một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bao gồm cả Tây Ban Nha và Bỉ, đang thúc đẩy các biện pháp được thực hiện, trong ngắn hạn, để chống lại giá năng lượng tăng cao. Được biết,  EC vẫn đang theo một lối đi để giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, càng nhanh càng tốt. Đó là cách mua khí đốt theo nhóm, giống như mô hình mua chung vaccine trong cuộc khủng hoảng COVID-19.