>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục

Trước sức “nóng” của dư luận, tối 12/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát đi Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ thị là yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền.

Trước sức “nóng” của dư luận

Trước sức “nóng” của dư luận, Bộ GD&ĐT phát đi Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông - Ảnh minh họa

Bộ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Đây được cho là động thái quyết liệt của Bộ GD&ĐT trước tình trạng bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” tồn tại nhiều năm qua, thế nhưng, dư luận cho rằng, Chỉ thị này của Bộ GD&ĐT là quá chậm trễ.

>> Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

Mặc dù Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT, thế nhưng 8 năm qua, phụ huynh mua sách giáo khoa vẫn phải mua thêm “chùm” sách tham khảo, sách tự chọn đồ dùng phụ trợ, theo kiểu “bán bia kèm lạc”

Mặc dù đã có Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT, thế nhưng 8 năm qua, phụ huynh mua sách giáo khoa vẫn phải lựa chọn theo kiểu “bán bia kèm lạc” khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Infonet

Không ít ý kiến cho rằng, 31/5 là thời điểm kết thúc năm học theo đúng chương trình năm học, chính vì thế, ngay từ tháng 4, các trường học đã triển khai phát hành sách giáo khoa cho năm học sau và yêu cầu phụ huynh học sinh đăng ký mua. Và danh mục sách giáo khoa để học sinh mua vẫn theo kiểu bán "bia kèm lạc”, cả sách tham khảo, thậm chí cả đồ dùng học tập,… với số tiền có thể lên tới hơn 900 ngàn đồng.

Với gia đình có điều kiện, việc mua sách giáo khoa theo kiểu đã nêu không thành vấn đề, nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì đây lại là cả gánh nặng đè lên đôi vai phụ huynh mỗi dịp đầu năm học, trong khi, 2 năm vừa qua cuộc sống của người dân đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là tình trạng giá cả “leo thang” theo sức tăng của giá xăng dầu.

Thực tế, để ngăn chặn tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT, thế nhưng 8 năm qua, phụ huynh mua sách giáo khoa vẫn phải mua thêm “chùm” sách tham khảo, sách tự chọn đồ dùng phụ trợ, theo kiểu “bán bia kèm lạc”...

Đặc biệt, khi phụ huynh đã chi tiền, sách giáo khoa đã đến tay học sinh, Bộ GD&ĐT mới có Chỉ thị yêu cầu cấm việc ép buộc mua sách tham khảo, liệu có phù hợp?

Thông tin với báo chí, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Chỉ thị số 643/CT - BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông không thực tế vì hiện nay đa số việc mua sách giáo khoa đã triển khai xong tại các trường.

“Trước hết, hoan ngênh sự tiếp thu của Bộ GD&ĐT, nhưng tôi cho rằng giáo dục là phải nói thật, làm thật. Ngoài ra, Bộ nên có hướng dẫn cụ thể hơn về việc cấm bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo thế nào để các địa phương có thể thực thi được chứ không phải chỉ nêu ra và để đó.

Với những trường hợp phụ huynh phải mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo trong năm học này, Bộ GD&ĐT phải có giải pháp khắc phục. Tức là những học sinh mua rồi thì giải quyết cụ thể thế nào chứ không phải chỉ là khẩu hiệu trên giấy thì không có tác dụng”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Sách giáo khoa được bán theo kiểu “bia kèm lạc” được cho chỉ là một trong những quan ngại khiến dư luận liên tiếp “dậy sóng” thời gian qua, điều quan ngại hơn cả là việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa như hiện nay đang dẫn đến tình lãng phí và thiếu tính ổn định của mỗi bộ sách.

Còn nữa…