Đó là chia sẻ  ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình tại Diễn đàn "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững.

>> Nhiệt điện Ninh Bình: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

- Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng quyết định sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt, của mỗi địa phương, mỗi điểm đến. Trong tiến trình này, Ninh Bình đã và đang bắt nhịp ra sao, thưa ông?

Sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, quyết định khả năng “bứt tốc” của du lịch Việt.
Cùng với xu thế chung, ngành Du lịch Ninh Bình cũng hưởng ứng và đang triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch đã đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Do vậy, hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất đang được các doanh nghiệp du lịch tại Ninh Bình là thông qua các website đơn vị, qua cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình, các hình thức quảng bá qua Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, Email...

Với mục tiêu đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Ninh Bình đã và đang triển khai số hóa “Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành du lịch,” trên nền tảng dữ liệu lớn của tỉnh, triển khai hệ thống báo cáo số tích hợp và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Ngoài ra, Ninh Bình đang làm và có kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp lớn về công nghệ như: Viettel, VNPT để xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch của tỉnh.

Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… là yêu cầu cấp thiết để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Và hơn thế, những người làm du lịch cần phải nhận thức rõ chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá...

 Tuần du lịch tỉnh Ninh Bình năm 2022 diễn ra từ ngày 21-28/5 với chủ đề

Tuần du lịch tỉnh Ninh Bình năm 2022 diễn ra từ ngày 21-28/5 với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An"

Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP. 

- Từ thực tế tại địa phương, ông có đề xuất gì thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch?

Từ thực tế triển khai ở địa phương, tôi nhận thấy chuyển đổi số trong ngành du lịch còn rất nhiều gian nan và cần nhiều giải pháp để “gỡ khó.” Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy, thông tin đang bị chia lẻ và mạnh ai người đó làm. Cụ thể, như trang web giới thiệu về du lịch trên địa bàn tồn tại 3 trang riêng biệt về văn hoá, về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cũng giới thiệu ứng dụng, app với mục tiêu thu hút khách nhưng thực tế có tồn tại trên mạng tương tác với người dùng ra sao và du khách cũng không biết. Muốn dùng, du khách phải tải app xuống. Tình trạng này sẽ dẫn đến mỗi điểm đến du lịch lại phải cài app, sẽ rất khó để du khách sử dụng. Do đó cần có sự thống nhất, tránh loạn app, ứng dụng du lịch.

Để chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức tư duy cán bộ nhà nước, chủ doanh nghiệp về chuyển đổi số. Thứ hai, xây dựng, đồng bộ cơ sở dữ liệu hòa chung và kết nối với các địa phương. Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ. Thứ tư, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng mỗi địa phương triển khai một kiểu gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận. Thứ năm, đào tạo nhân lực là khâu đột phá để giải quyết vấn đề đang đặt ra.

- Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, quảng bá xúc tiến du lịch, Ninh Bình đã đưa ra các giải pháp gì để thu hút và giữ chân du khách, thưa ông?

Những giá trị văn hóa gắn với cố đô Hoa Lư và di sản Tràng An sẽ là cốt lõi để xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; ngành du lịch Ninh Bình sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, tạo điểm nhấn, qua đó thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, kết nối các di sản tại địa phương, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh dịch vụ du lịch, tháo gỡ điểm nghẽn về nhân lực du lịch; đầu tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới về du lịch xanh, bền vững, an toàn… Đồng thời, kết hợp với các tỉnh bạn như Hà Nội, Thanh Hóa… để thu hút khách đường bay từ các tỉnh, thành phía Nam.

Với thông điệp du lịch Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn, ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu trong năm 2022 sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 100 nghìn lượt khách quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!