Khốn khổ đi tìm công lý

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhiều lần thông tin, sau hơn 2 năm bị tăng giá nước bán buôn bất hợp lý, Công ty TNHH Đông Mỹ Hải phải đi hầu tòa và giải trình với các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận. Tưởng chừng như ánh sáng cuối đường hầm đã đưa đến tia hy vọng về một công lý được thực thi, nhưng không, việc đi tìm công lý vẫn còn gian nan, lòng vòng hơn bao giờ hết.

Công ty TNHH Đông Mỹ Hải lao đao vì vụ việc khiếu kiện kéo dài

Công ty TNHH Đông Mỹ Hải lao đao vì vụ việc khiếu kiện kéo dài

Hơn hai năm đi hầu tòa vì bị kiện không chịu trả tiền mua nước bán buôn theo yêu cầu đơn phương của Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận (NIWACO), ông Ngô Đình Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Đông Mỹ Hải vui mừng khi Quyết định giám đốc thẩm, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên giá nước 7.000đ mà NIWACO đơn phương áp đặt là không phù hợp, gây thiệt hại cho bị đơn là Công ty Đông Mỹ Hải.

Do đó, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã quyết định hủy toàn bộ 02 Bản án Kinh doanh thương mại: phúc thẩm của TAND tỉnh Ninh Thuận và sơ thẩm của TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm. Đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Và mới đây, TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục có thông báo về việc thụ lý vụ án giữa hai doanh nghiệp và NIWACO yêu cầu tòa án giải quyết chấm dứt Hợp đồng dịch vụ cấp nước ngày 28/12/2012 và phụ lục hợp đồng dịch vụ số 03/2017/PLHĐ giữa NIWACO và Công ty Đông Mỹ Hải. Đồng thời, NIWACO vẫn tiếp tục yêu cầu Công ty TNHH Đông Mỹ Hải phải trả số tiền gần 10 tỷ đồng (cả gốc và lãi) "nợ khống" (nếu tính từ tháng 7/2018 đến tháng 11/2020 là hơn 15,4 tỷ đồng, kèm tiền lãi phát sinh hơn 1,2 tỷ đồng, tổng hơn 16,6 tỷ đồng).

Lãnh đạo tỉnh đã thực sự quyết liệt?

Theo điều 3 của hợp đồng ký kết giữa hai doanh nghiệp, giá nước sạch được hai bên thỏa thuận dựa trên biểu giá do UBND tỉnh ban hành và nguyên tắc áp dụng giá nước mới khi có quyết định điều chỉnh giá nước sạch của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Hai doanh nghiệp vẫn phải

Hai doanh nghiệp vẫn phải "nói chuyện với nhau" trước tòa

Như vậy, tháng 6/2018, khi NIWACO cổ phần hóa và đơn phương tăng giá nước từ 2.845 đồng/m3 lên 7.000 đồng/m3 khi chưa có quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Ninh Thuận đã đúng với các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Bởi trước đó, văn bản 1917 ngày 23/7/2018 của Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị áp dụng giá 7.000 đồng/m3 tính từ ngày 20/6/2018.

Mặc dù chưa có chỉ đạo, quyết định cuối cùng nào của UBND tỉnh Ninh Thuận nhưng Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận buộc Công Ty TNHH Đông Mỹ Hải phải chấp nhận giá 7.000 đồng/m3 là phi lý.

Trong lúc hai doanh nghiệp chưa thống nhất được giá mới thì Sở Tài chính Ninh Thuận cũng đã đưa ra giá nước tạm tính 6.000đ/m3 để hai doanh nghiệp thực hiện trong thời gian chờ giá nước chính thức. Tuy nhiên, theo ông Ngô Đình Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Đông Mỹ Hải, với giá tạm tính 6.000 đồng/m3 (có VAT 6.300 đồng/m3) cũng đã thể hiện rõ sự bất công và áp đặt đối với Cty Đông Mỹ Hải, vì Công ty bán lẻ cho dân theo giá nào để không bị thua lỗ thì Sở Tài chính không trả lời.

Được biết, tại cuộc họp với các Sở ban ngành liên quan mới đây, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đã bác bỏ tham mưu của Sở Tài chính về giá tạm tính 6.000 đồng/m3 và yêu cầu các đơn vị phải tình toán đưa ra giá nước hợp lý để Công ty Đông Mỹ Hải hoạt động không bị lỗ.

Như vậy, việc tăng giá nước lên 7.000 đồng của NIWACO là không hợp lý (theo Quyết định giám đốc thẩm); việc tự ý tăng giá nước của NIWACO cũng vi phạm theo Điều 3 của hợp đồng (UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định cuối cùng); giá nước tạm tình 6.000 đồng/m3 của Sở Tài chính Ninh Thuận cũng không có cơ sở (bị lãnh đạo tỉnh bác bỏ, yêu cầu tính lại để Công ty Đông Mỹ Hải không bị lỗ)…

Để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng, các cơ quan ban ngành của tỉnh Ninh Thuận nhất là Sở Tài chính cần tham mưu một cách khách quan, chính xác và trung thực để UBND tỉnh đưa ra giá nước cuối cùng phù hợp với các quy định của pháp luật. Mặc khác, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận không nên để hai doanh nghiệp phải “nói chuyện trước tòa” trong khi Quyết định giá nước bán buôn cuối cùng vẫn là của lãnh đạo tỉnh.