Thực trạng này đang tồn tại ở Nghệ An sau một thời gian triển khai nguồn vốn vay cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP hay còn gọi là “Tàu 67” khiến địa phương lẫn người dân ở đây đang loay hoay tìm hướng tháo gỡ.

Nguy cơ “bể trận” vốn vay

Cách đây gần 7 năm về trước, để từng bước hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, ngày 07/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 đã xảy ra nhiều vướng mắc, bất cập trên thực tiễn nên đến ngày 02/02/2018, Chính phủ cũng đã tiếp tục ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, nhiều chính sách về ưu đãi nguồn vốn vay, đối tượng được vay… đã được khơi thông để những “Tàu 67” tiếp tục mở rộng phạm vi cũng như số lượng hoạt động tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển dài ngày. Hàng nghìn tỷ đồng cũng đã được các địa phương trên địa bàn cả nước giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng tàu.

Tại Nghệ An, theo thống kê của cơ quan chức năng thì đến nay, số tàu đóng mới theo Nghị định 67 có 104 tàu, với tổng công suất máy chính theo thiết kế trên 83.800 CV với tổng số tiền đã giải ngân là 860 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nhiều ngư dân Nghệ An đã được đóng mới tàu thuyền vươn khơi bám biển

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nhiều ngư dân Nghệ An đã được đóng mới tàu thuyền vươn khơi bám biển

Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có tới số lượng “Tàu 67” nhiều nhất với 52 tàu, kế tiếp là thị xã Hoàng Mai 41 tàu, Diễn Châu 04 tàu, Cửa Lò 04 tàu và Nghi Lộc 03 tàu.

Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2021, trong tổng số 104 tàu được giải ngân nguồn vay thì có 101 chủ tàu vẫn còn dư nợ tại ngân hàng 660,4 tỷ đồng, 03 chủ tàu gặp sự cố về tất toán khoản vay, trong đó nợ quá hạn 121,74 tỷ động; nợ lãi tiền vay 27,82 tỷ đồng.

Chính vì vậy, nguy cơ “bể trận” nguồn vay đối với “Tàu 67” ở Nghệ An đang là thực trạng đáng báo động hiện nay khi các chủ tàu rơi vào trạng thái dư nợ kéo dài và nguy cơ không có khả năng tất toán.

Đâu là nguyên nhân?

Không chỉ riêng ở Nghệ An mà tình trạng “Tàu 67” nợ xấu trên địa bàn cả nước đang ở mức đáng báo động. Nhiều chủ tàu đã lâm vào hoàn cảnh nợ chồng nợ do “Tàu 67” không phát huy hết hiệu quả như mong đợi ban đầu.

Theo báo cáo cập nhập tình hình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, giai đoạn 2014 – 2020 cả nước đã có 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp) được cho vay đóng mới, nâng cấp với nguồn vốn cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.

Đến quý II năm 2020, dư nợ đã đạt đến con số 9.936 tỷ đồng của 1.157 tàu còn dư nợ trên địa bàn cả nước. Đáng quan tâm là dư nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang ở ngưỡng gần 39%.

Ngoài nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không có khả năng trả nợ thì lỗi chủ quan của những chủ “Tàu 67” vẫn còn chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành…

Trước tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nhiều chủ

Trước tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nhiều chủ "Tàu 67" ở Nghệ An đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất

Trước tình trạng này, vào ngày 06/4 vừa qua, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký thông báo yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, làm việc trực tiếp với các chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế của chủ tàu theo các tiêu chí như thật sự có khó khăn không trả được nợ; hoạt động không hiệu quả nhưng có khả năng đầu tư chuyển đổi nghề; khai thác có hiệu quả nhưng chây ỳ trả nợ… để tham mưu trình UBND tỉnh có các biện pháp xử lý cụ thể.

Chỉ đạo là vậy nhưng việc thu hồi nợ xấu để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp “Tàu 67” ở Nghệ An vẫn đang là bài toán loay hoay tìm lời giải.

Còn về phía chủ “Tàu 67”, họ vẫn chưa thể tìm được hướng đi bền vững cho phương tiện của mình khi tham gia vươn khơi, bám biển dài ngày có năng suất như mong đợi.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.