Trên thị trường, giá cổ phiếu ACB đã tăng trên 40% so với đầu năm, hiện đang được giao dịch quanh mức 26,400 đồng/cp, chốt phiên 12/11/2020

Trên thị trường, giá cổ phiếu ACB đã tăng trên 40% so với đầu năm nay, hiện đang được giao dịch quanh mức 26.400 đồng/cp

Mới đây, ACB đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020 với lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng trưởng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.592 tỷ đồng. LNTT lũy kế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 15,3%, đạt 6.411 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch năm nay.

Động lực tăng trưởng của ACB đến từ thu nhập lãi thuần (NII) mở rộng nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập lãi cận biên (NIM) mở rộng, cùng với thu nhập đáng kể từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp. 

Theo các chuyên gia tài chính, hiện cho vay cá nhân và nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang là động lực tăng trưởng tín dụng chính của ACB. Tính đến cuối quý 3, tổng cho vay khách hàng của ACB đạt 297.386 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ trọng các khoản vay cá nhân và DNVVN chiếm tới 92%. 

Cho vay cá nhân và nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang là động lực tăng trưởng tín dụng chính của ACB

Cho vay cá nhân và nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang là động lực tăng trưởng tín dụng chính của ACB

Trong khi đó, ACB đã được Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng thêm 3%, đưa hạn mức tín dụng cả năm 2020 của ngân hàng lên mức 14,75%.

Về tỷ lệ thanh khoản, tổng tiền gửi tính đến cuối quý 3/2020 đạt 334.729 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA mở rộng lên 19,1% nhờ những sáng kiến hiệu quả như: dịch vụ tài chính dành cho Nguồn Nhân Lực Việt – “Employee banking” và dịch vụ ngân hàng giao dịch cho những công ty lớn. 

Như vậy, tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) thuần của ACB trong quý 3 tăng nhẹ lên 88,8% so với 87,9% và 85,8% lần lượt trong quý 1 và quý 2/2020. LDR tính đến cuối quý 3 là 79% so với mức giới hạn quy định là 85%, cho thấy ACB chịu ít áp lực về nhu cầu huy động tiền gửi nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý 4.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của ACB khoảng 26% vào cuối quý 3/2020, thấp hơn nhiều so với mức giới hạn quy định là 40%. 

Thu nhập ngoài lãi (NoII) trong 3 quý năm 2020 đạt 850,6 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giao dịch trái phiếu cốt lõi và thu nhập từ hoạt động ngoại hối tiếp tục hỗ trợ NoII, chưa tính một số khoản thu một lần. Lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối tăng vọt 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 192,7 tỷ đồng nhờ thị trường vàng thuận lợi, đồng thời lợi nhuận từ giao dịch trái phiếu cũng đạt mức 37,5 tỷ đồng, tăng 213,6% nhờ môi trường lợi suất siêu thấp.

Tuy nhiên, thu nhập từ phí (NFI) có sự giảm 5,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 490,6 tỷ đồng, chủ yếu do ACB cắt giảm hoặc miễn phí để hỗ trợ khách hàng và tái phân loại các khoản phí phạt thẻ tín dụng, chuyển từ thu nhập từ phí sang thu nhập từ lãi. 

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của ACB có xu hướng mạnh. Trong đó, tổng nợ xấu (NPL) của ACB tính đến cuối quý 3 là 2.479,6 tỷ, tăng tới 71% so với hồi đầu năm nay và chiếm tỷ lệ 0,83%.

Tính đến cuối quý 3, các khoản vay tái cấu trúc do COVID-19 gần như không đổi, ACB công bố tổng dư nợ tái cấu trúc đạt 9,1 nghìn tỷ đồng. Ban lãnh đạo ACB kỳ vọng Ngân hàng sẽ thu hồi được tất cả khoản vay tái cấu trúc đáo hạn vào cuối năm 2021 (95% tổng dư nợ tái cấu trúc), nếu COVID-19 không còn diễn biến bất ngờ nữa. Điều đáng khích lệ là lãi phát sinh từ các khoản vay này đã được hoàn trả dần dần, giúp làm tăng NII của ngân hàng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, mức Stock Rating của ACB ở mức 90 điểm, được duy trì đánh giá tích cực trong mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. 

Trên thị trường, giá cổ phiếu ACB đã tăng trên 40% so với đầu năm nay, hiện đang được giao dịch quanh mức 26.400 đồng/cp khi chốt phiên 12/11/2020.

Đồ thị giá của ACB tăng trở lại vùng đỉnh ngắn hạn và dòng tiền ngắn hạn tiếp tục cải thiện ở các mức cao hơn cho thấy động lực tăng trưởng vẫn còn cao. Đồng thời, kế hoạch chuyển sang sàn HSX trong năm nay cũng là một trong những động lực tăng giá ngắn hạn đối với ACB", ông Minh khuyến nghị.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số Stochastic, RSI, CCI... đã cho thấy tín hiệu vượt mua, nên nhiều khả năng cổ phiếu ACB sẽ có bước điều chỉnh trước khi tăng trở lại. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên vùng 20.000đ/cp, cổ phiếu ACB vẫn duy trì đà tăng ngắn hạn. Ngược lại, cổ phiếu này sẽ rơi vào tình trạng tích lũy, đi ngang.