Tuy nhiên, đến giai đoạn toàn ngành cá tra bị khủng hoảng, Hùng Vương theo đó rơi vào vòng xoáy chật vật dòng vốn, áp lực nợ vay, lợi nhuận lao dốc mạnh.

Hùng Vương từng được mệnh danh là "vua cá tra" trên sàn chứng khoán với việc sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, trang thiết bị hiện đại, công suất 400.000 tấn/năm. Nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành cá tra trong những năm gần đây không mấy khả quan, đặc biệt năm 2017 công ty lỗ tới 713 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, dù cố gắng nhưng vua cá tra Việt vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn.

HVG đã phải nhận tin “dữ” từ Mỹ về thuế chống bán phá giá.

HVG đã phải nhận tin “dữ” từ Mỹ về thuế chống bán phá giá.

Khó khăn chồng chất, mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 của Hùng Vương là 3.87 USD/kg, mức cao nhất trong số danh sách công ty xuất khẩu cá tra vào Mỹ. 

Mức thuế này làm giảm cạnh tranh của Hùng Vương vào thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam là Mỹ, sau Trung Quốc. Đây không chỉ là cú sốc với doanh nghiệp mà còn là cú sốc với giới đầu tư bởi kỳ vọng POR14 với kết quả sơ bộ 0 USD/kg đã đưa cổ phiếu HVG tăng chóng mặt thời gian qua.

Bán tài sản từ đất đai đến công ty con, thoái hầu hết vốn kinh doanh ngoài ngành, tập trung mảng cá, xin gia hạn nợ từ phía ngân hàng… là những công tác Hùng Vương không bỏ sót để vượt qua cơn bĩ cực. Cho đến cuối năm 2018, báo cáo tài chính ghi nhận điểm sáng trở lại, nợ vay giảm từ mức đỉnh 12.000 tỷ (năm 2015) xuống còn 3.124 tỷ đồng, chi phí dự phòng cũng được cắt giảm đáng kể, dẫn đến Hùng Vương có lãi trở lại.

Chủ tịch Hùng Vương Dương Ngọc Minh từng khẳng định, Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm vào năm 2020, thậm chí sẽ mua lại cổ phần VTF đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài. Với kết quả này, Hùng Vương có nguy cơ vỡ kế hoạch kinh doanh cho năm 2019 và gặp nhiều khó khăn cho giai đoạn tiếp theo. Nhưng Hùng Vương đã phải nhận tin “dữ” từ Mỹ về thuế chống bán phá giá.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy, Thủy sản Hùng Vương của ông Minh cũng ghi nhận lỗ 129 tỷ đồng, so với mức lãi gần 13,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, HVG lỗ gần 260 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cho đến nay lên 650 tỷ đồng. Giải thích lý do doanh thu tụt giảm, ông Minh cho biết, do công ty đã thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì... ), tương đương 1.089,3 tỷ đồng.

Việc bán Việt Thắng đã khiến chiến lược phát triển của Hùng Vương bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ bán VTF, gần đây HVG cũng phải bán rất nhiều tài sản khác để giải quyết các khó khăn về tài chính của công ty, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Sau cú sốc POR 14, động thái mới nhất mà Hùng Vương thực hiện là lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Hùng Vương Sông Đốc có trụ sở chính tại tỉnh Cà Mau, hoạt động trong lĩnh vực chế biến bột cá biển. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh, báo cáo tài chính quý II niên độ tài chính 2019 (1/10/2018 - 30/9/2019) của Hùng Vương cho thấy, tình hình tài chính của Công ty còn nhiều bất ổn.

Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của Hùng Vương đạt 8.833 tỷ đồng, tăng 3% so với ngày 1/10/2018. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn 4.226 tỷ đồng, tăng 4% còn hàng tồn kho 1.915 tỷ đồng, tăng nhẹ. Về nguồn, nợ ngắn hạn của công ty tăng từ 6.298 tỷ đồng lên 6.842 tỷ đồng, chiếm 77% nguồn vốn, trong đó vay và nợ ngắn hạn 2.880 tỷ đồng, giảm 8%.