Trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay, “sức bền” của các nữ doanh nhân được đánh giá rất cao. Nhân kỷ niệm ngày thành lập VAWE 19/10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE).

Nữ doanh nhân Hà Thị Thu Thanh trao đổi về vai trò của VAWE

Nữ doanh nhân Hà Thị Thu Thanh trao đổi về vai trò của VAWE

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng với những đặc tính thiên phú như sự kiên trì, cần cù, thận trọng và nhạy cảm nghề nghiệp cao, nữ doanh nhân sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bứt phá trong thời gian tới. Bà có suy nghĩ về nhận định này?

Trong hai năm vừa qua, COVID-19 giống như cơn sóng vượt qua ngưỡng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Với quy mô đa phần là nhỏ và vừa, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp do nữ làm chủ chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Họ không chỉ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, an toàn cho bản thân, gia đình, mà còn phải lo lắng cho các nhân viên và hoạt động của doanh nghiệp. Theo báo cáo “Phụ nữ nơi làm việc” của Deloitte, 77% nhân viên nữ, trong đó bao gồm cả các nữ doanh nhân, cho rằng khối lượng công việc đã tăng lên trong đại dịch, và sức khỏe toàn diện của họ đã sụt giảm tới gần 50% kể từ khi đại dịch bùng nổ.

Dù nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cho đến nay, các nữ doanh nhân vẫn đang vững tay chèo, thích ứng nhanh chóng với bình thường mới – một bình thường tốt hơn. Giới tính không tạo nên sự khác biệt về trí tuệ giữa nam với nữ, trên thực tế, nếu phái nam đặc trưng với “sức bật” trong phương pháp quản trị, thì phái nữ được thiên phú cho “sức bền”.

Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà Đại hội Đại biểu Hiệp hội Nữ doanh nhân nhiệm kỳ II

Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà Đại hội Đại biểu Hiệp hội Nữ doanh nhân nhiệm kỳ II

Như tôi đã từng chia sẻ, lãnh đạo nữ cũng như giọt nước, nước chảy đá mòn và có thể mài sắt thành kim. Có lẽ chính sự bền bỉ, tính nhân văn được “thổi” vào trong văn hóa doanh nghiệp đã níu chân người lao động ngay cả khi những doanh nghiệp này đang mỏng dần về nguồn vốn tài chính. Văn hóa doanh nghiệp với sự quan tâm đã thể hiện giá trị riêng có của các nữ doanh nhân, là trụ đỡ để doanh nghiệp của các chị vững vàng chuẩn bị tái sản xuất.
 

- Bà có thể chia sẻ về việc chủ động thích ứng với đại dịch Covid-19, thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi toàn diện tại doanh nghiệp do nữ làm chủ, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả thông qua các mạng lưới Hiệp hội, sự chuyển mình mạnh mẽ và thích ứng hơn của nữ doanh nhân, thưa bà?

Trong thời kỳ đại dịch nhiều khó khăn và thách thức, các hội viên của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) đã rất chủ động trong cộng đồng doanh nghiệp tại từng địa phương để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua việc tiếp cận các chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn, thuế và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, các chị cũng mạnh dạn thay đổi mô hình kinh doanh theo quy mô và thế mạnh của doanh nghiệp để bật chế độ “sống chung với đại dịch”. Đồng thời, họ nghĩ đến các giải pháp để phục hồi và liên tục phát triển ngay sau khi đi qua đại dịch, trở lại bình thường mới.

Tư duy tại ban lãnh đạo không phải là quản lý công việc bằng thời gian mà là quản trị hiệu quả lao động. Ngay từ trước khi COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp do Doanh nhân nữ làm chủ đã có chính sách làm việc linh hoạt, đảm bảo hiệu suất của nhân viên với tinh thần trách nhiệm, tự giác và kỷ luật cao, đồng thời áp dụng công nghệ để đảm bảo không làm gián đoạn các dịch vụ. Nhờ đó, khi dịch bệnh kéo theo tình trạng giãn cách xã hội kéo dài khiến mọi hoạt động xã hội bị ngưng trệ, thì chúng tôi đã duy trì được 100% đội ngũ làm việc từ xa với hiệu suất công việc luôn duy trì ở mức độ tốt.

Ban Chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026

Ban Chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026

- Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cùng các nữ doanh nhân đã nhanh chóng đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong công tác chống dịch Covid và tiếp tục nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức để doanh nghiệp phát triển bền vững. Xin bà chia sẻ những đóng góp của VAWE và các nữ doanh nhân trong thời gian qua?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp, các Nữ doanh nhân các tỉnh thành dù đang đối diện với những thách thức để thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế", nhưng vẫn lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nghĩa tình, sự sẻ chia ấm áp thông qua các hoạt động ủng hộ tuyến đấu chống dịch, giúp đỡ người dân vùng dịch tại khắp các tỉnh thành.

Các chị đã tiên phong trong các hoạt động đóng góp vào Quỹ vắc xin quốc gia, mua máy thở, thiết bị vật tư y tế, ủng hộ tuyến đầu chống dịch, các Siêu thị 0 đồng, giúp đỡ người lao động, cộng đồng khó khăn... với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Dù doanh nghiệp đã và đang có những tổn thất không hề nhỏ về kinh tế, nhưng các nữ doanh nhân vẫn nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình, đồng hành cùng Chính phủ trong các chương trình chống dịch. Các các nữ doanh nhân đã luôn chung tay đoàn kết, nhiều chị còn dùng đến cả tiền cá nhân và nguồn tiền tích lũy của doanh nghiệp để đồng hành cùng cả nước trong công cuộc phòng chống đại dịch, đặc biệt trong làn sóng thứ tư vừa qua.

Ở các chị, ngọn lửa của tinh thần kiên tâm, bền bỉ luôn cháy sáng. Các chị luôn ở trong tâm thế sẵn sàng quay lại đường đua bình thường mới, tiếp tục phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho người lao động, qua đó kiến tạo những giá trị cho cộng đồng.

- Các doanh nhân nữ không thể thành công nếu “đơn thương độc mã” mà sẽ cần sự trợ giúp từ nhiều phía? Bà có thể cho biết vai trò của Hiệp Hội Doanh nhân nữ Việt Nam trong việc kết nối và hỗ trợcác doanh nghiệp hội viên?

Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết và tính nhân văn đã lan tỏa trong hiệp hội, và vang xa hơn trong cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua việc thúc đẩy mạng lưới kết nối, VAWE đã kêu gọi các nguồn tài trợ, nguồn vốn vay ưu đãi từ các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán, các dự án quốc tế, để giúp các các thành viên của hội tái sản xuất kinh doanh, hướng đến sự phát triển bền vững. Chẳng hạn SEABank đã áp dụng chính sách ưu đãi trên toàn hệ thống (từ nguồn vốn của IFC) dành cho doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Cùng với sự chủ động, sáng tạo linh hoạt của các chị, VAWE cùng các Hiệp hội nữ doanh nhân các tỉnh thành cũng đã tăng cường trợ giúp các chị thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo, chia sẻ cả kiến thức quản lý doanh nghiệp và xốc lại tinh thần cho đội ngũ.

- Được biết, trong nhiệm kỳ 2021 -2026, VAWE đã đưa ra kế hoạch hành động với phong cách mới, tư duy mới để phát triển Hiệp hội. Xin bà chia s những chiến lược phát triển của VAWE trong thời gian tới, thưa bà?

Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp do nữ làm chủ và đội ngũ nữ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng, VAWE xác định giá trị giá trị cốt lõi là “Hợp tác – Sáng tạo – Phát triển – Bền vững”.

Trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, VAWE đặt mục tiêu kết nối, mở rộng mạng lưới, gia tăng về số lượng, chất lượng hội viên nữ doanh nhân và các tổ chức đại diện nữ doanh nhân thông qua nâng cao kiến thức, năng lực của nữ doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác, liên kết.

Cùng với đó, VAWE hợp tác cùng các Hiệp hội địa phương thúc đẩy văn hóa doanh nhân và khát vọng doanh nhân Việt, nâng cao năng lực lãnh đạo và phát triển bền vững doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển cộng đồng, tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội và cao hơn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!