Bởi những đóng góp to lớn cho sự phát triển của cây chè Lai Châu, mang thu nhập và ổn định đời sống cho gần 2.000 hộ nông dân, bà Nguyễn Thị Loan xứng đáng được vinh danh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của cây chè Lai Châu, mang thu nhập và ổn định đời sống cho gần 2.000 hộ nông dân, bà Nguyễn Thị Loan xứng đáng được vinh danh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.

Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ hai năm 2019 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Với mục đích đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những cống hiến, đóng  góp to lớn của đội ngũ các nhà trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, vì giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Chương trình "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ II - năm 2019 được triển khai trên phạm vi cả nước từ tháng 4 đến tháng 11 vừa qua. Qua nhiều đợt bình xét ở cấp cơ sở và cấp T.Ư, Ban tổ chức đã lựa chọn được 62 "Nhà khoa học của nhà nông" tiêu biểu.

Trong số này, có bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường. Bà là một trong 9 đại biểu nữ được tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”.

Được biết, Bà Nguyễn Thị Loan đã có nhiều sáng kiến trong kỹ thuật tưới tiêu, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải, than bùn... để nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Trong nhiều năm qua, Công ty Chè Tam Đường chủ động xây dựng quy trình liên kết sản xuất khép kín thành một chuỗi bền vững, về quy mô vùng nguyên liệu hơn 1.000 ha chè. Hiện, công ty đã thành lập 22 tổ nhóm nông dân sản xuất chè sạch với vai trò cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến.

Với người nông dân, công ty bắt đầu từ khâu cung cấp giống, tạm ứng các vật tư nông nghiệp đầu vào để chăm sóc, thâm canh vùng nguyên liệu cùng với bà con nông dân, chuyển giao các kỹ thuật chăm sóc, thu hái... tạo bước chuyển biến mạnh về thay đổi cơ cấu cây trồng và giúp người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hiện nay, Chè Tam Đường là một trong những đơn vị của ngành chè thực hiện canh tác trên 28ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ Quốc tế Organic Agriculture Certification Thailand cấp chứng nhận và cũng là một trong 6 đơn vị trong ngành thâm canh 170 ha chè đạt tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững được tổ chức Quốc tế Raiforest Alliance cấp chứng nhận.

Theo Giám đốc Công ty Chè Tam Đường, tới đây công ty sẽ đầu tư trồng chè hữu cơ có giá trị kinh tế cao, sản xuất các sản phẩm sạch để khẳng định giá trị và đưa thương hiệu chè Lai Châu vươn xa hơn.

Bởi những đóng góp to lớn cho sự phát triển của cây chè Lai Châu, mang thu nhập và ổn định đời sống cho gần 2.000 hộ nông dân, bà Nguyễn Thị Loan xứng đáng được vinh danh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.

Đây được xem là một hình thức tri ân của Nông dân Việt Nam đối với nhà khoa học được vinh danh. Nhà khoa học được tôn vinh có trách nhiệm tiếp tục phổ biến, áp dụng các giải pháp sáng kiến, công trình khoa học, công sức của mình vào thực tiễn đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các lĩnh vực liên quan, đóng góp cho quan hệ liên kết giữa nông dân với các thành phần khác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng hóa nông sản; gia tăng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của nhà nông” là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội, kinh tế - kỹ thuật, góp phần thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa “6 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là giữa nhà khoa học với nhà nông, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập của nông dân.