Cuộc họp thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022 của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) được tổ chức ngay trong ngày nghỉ bù nghỉ lễ 3/5 với các nội dung quan trọng. 

Bà Trần Thị Thu Hằng - Tân Chủ tịch HĐQT Kienlongbank (KSBank) nhiệm kỳ 2018-2022

Bà Trần Thị Thu Hằng - Tân Chủ tịch HĐQT Kienlongbank (KSBank) nhiệm kỳ 2018-2022

Tại cuộc họp, các thành viên HĐQT đã thông qua Đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 - 2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời nhất trí bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022. Trong thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan (từ 3/5 đến hết ngày 25/5/2021), bà Trần Thị Thu Hằng sẽ đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT Kienlongbank.

Ông Lê Hồng Phương và bà Trần Thị Thu Hằng đã được bầu bổ sung vào Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 trong ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/ 1. Theo đó, những thông tin đồn đoán trên thị trường về nhân sự mới xuất hiện tại Kienlongbank sau những đợt giao dịch thỏa thuận cổ phiếu khủng của ngân hàng, đã thực sự diễn ra. Bà Hằng được biết là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư SIPT, CEO của CTCP Tập đoàn Sunshine. Ông Lê Hồng Phương là Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty CP BBGroup. 2 nhân sự được bổ nhiệm vị trí cấp cao, ông Phương là Chủ tịch HĐQT Kienlongbank và bà Hằng là Phó Chủ tịch HĐQT Kienlongbank theo Nghị quyết của HĐQT, có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. 

Như vậy, tính đến kì họp ngày 3/5, thời gian ông Phương giữ ghế Chủ tịch HĐQT tại Kienlongbank chỉ vừa tròn 3 tháng 3 ngày. Những thay đổi nhân sự "chóng mặt" tại Kienlongbank cũng xác thực những biến đổi về chiến lược ngân hàng bắt đầu từ "tầng cao", và theo những thông tin đã được công bố chính thức từ ĐHĐCĐ thường niên 2021 của ngân hàng, đã diễn ra tại Rạch Giá vào 29/4 mới đây. 

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua Tờ trình về việc bổ sung tên KSBank nhằm phù hợp với mục tiêu số hóa của ngân hàng trong giai đoạn mới. Sau khi được NHNN phê duyệt, KSBank sẽ trở thành tên gọi chính thức của Kienlongbank.

ĐHĐCĐ Kienlongbank cũng thống nhất thông qua tăng vốn điều lệ từ 3.237 tỷ đồng lên 3.653 tỷ đồng vaf chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của Kienlongbank (KSBank) năm 2021 với tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng, tăng 16,62%, tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng, tăng 14%, tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng, tăng 28,47%, lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng.  

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, Kienlongbank (KSBank) sẽ mở rộng mạng lưới chi nhánh cùng với việc đẩy mạnh định hướng phát triển theo mô hình số hóa. Theo đó, Ban lãnh đạo Kienlongbank (KSBank) cho biết sẽ phát triển ngân hàng theo mô hình Digital Banking, trong đó Kienlongbank (KSBank) được xem là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư tài chính ưu việt gồm Ngân hàng số - Chứng khoán - Đầu tư bất động sản - Đầu tư Vàng và Thương mại điện tử.

KSBankđịnh hướng sẽ phát triển theo mô hình số hóa

KSBankđịnh hướng sẽ phát triển theo mô hình số hóa

Theo thông tin Kienlongbank cung cấp, với bốn phân hệ cốt lõi (Mobile App, Mobile Branch, Digital Branch, Self-Service 24/7), KSBank sẽ phát triển theo mô hình "Ngân hàng không ngủ", mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm mang phong cách Digital toàn diện, đảm bảo tối đa sự tiện lợi và bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ.

Đáng chú ý, cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, một nhân sự cấp cao đến từ Sunshine Group, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cũng nằm trong danh sách đề cử nhân sự bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022.

Như vậy, Kienlongbank hiện đang có 2 nữ tướng giữ ghế Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. Bước dịch chuyển nhân sự cấp cao mới tại Kienlongbank, hay KSBank để kiện toàn nhân sự hậu "thay máu", liệu có còn tiếp tục?