Sau sự cố nhà máy Rạng Đông và nước sạch nhiễm “bẩn”, người dân có quyền đặt dấu hỏi về trách nhiệm, năng lực quản trị rủi ro, giám sát, thực thi, khả năng ứng phó với các sự cố và nguy hiểm, hơn nữa là thảm hoạ về môi trường của chính quyền Hà Nội.

Sau 5 ngày xảy ra sự cố nước có mùi ở khu vực Tây Nam Hà Nội, đến chiều 15/10, thành phố mới có thông tin chính thức về việc nước sạch được cấp ra từ nhà máy nước sông Đà có chứa hàm lượng styren cao gấp 1,3 đến 3,65 lần bình thường.

Một ngày sau, Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà phát đi thông báo tạm ngừng cung cấp nước để súc xả tuyến ống dẫn nước. Thời gian cấp nước trở lại chưa được thông tin.

p/Người dân Hà Nội phải xếp hàng mua nước trong thời gian chờ nhà máy Sông Đà xúc xả đường ống – Ảnh: T.T.

Người dân Hà Nội phải xếp hàng mua nước trong thời gian chờ nhà máy Sông Đà xúc xả đường ống – Ảnh: T.T.

“Rất may”

Đáng lẽ, việc đình chỉ cung cấp nước phải được chính quyền Hà Nội đưa ra sớm hơn trước đó rất nhiều thay vì trông chờ vào “quyết định” của nhà cung cấp.

Một lần nữa lại là người dân- nạn nhân- khách hàng phát hiện ra sự cố bất thường và sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí chứ không phải nhà cung cấp hay cơ quan chức năng chuyên môn.

Chưa có đánh giá cụ thể của cơ quan chức năng về khả năng, mức ảnh hưởng tới sức khoẻ của các “thượng đế” đã sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Sự cố cũng đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền cũng như về đạo đức kinh doanh của Viwasupco. Đặc biệt, khi vụ án đường ống nước sạch sông Đà vỡ 18 lần - một bài học nhãn tiền vẫn còn nguyên giá trị khi làm ảnh hưởng đời sống của 177.000 hộ dân.

Ứng phó với thảm hoạ?

Trước thực tế ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực tây nam Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục ngay sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.

Đặc biệt, trước những thông tin báo chí phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước Sông Đà không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngày 16/10, hơn một tuần sau khi sự cố đổ trộm dầu thải ở nguồn nước đầu vào Nhà máy nước sông Đà, nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hoà Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật hình sự,

Kinh doanh nước sạch là lĩnh vực có điều kiện, đòi hỏi các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe. Các doanh nghiệp sử dụng nguồn nước mặt phải bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; có phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định. Vì vậy, người dân đặt dấu hỏi, nghi ngờ về quy trình vận hành, giám sát đối với Viwasupco, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Có thể nói, “nước bẩn” không còn là sự cố mà là một thảm hoạ nghiêm trọng về nhiều mặt, vì nhiều hành vì cố ý ở nhiều khâu, đến mức đích thân Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án hình sự.

Nhưng hàng loạt câu hỏi được đặt ra là chính quyền Hà Nội rút ra được bài học gì sau thảm họa này? Và chất lượng môi trường hàng trăm nhà máy sản xuất nước sạch dùng nước mặt từ các sông hồ làm đầu vào đang được vận hành, kiểm soát ra sao?