Thật không ngờ, ông Nguyễn Văn Hiếu đem loài dúi từ vùng rừng núi tỉnh Lâm Đồng về đất Tây Đô-Cần Thơ nuôi bán giống, bán thịt mà lại thành công. Hiện, ông Hiếu đang có đàn dúi hơn 100 con, trong đó có 20 con dúi mẹ sinh sản. Nhờ nuôi loài động vật hoang dã có răng sắc, giỏi đào hang này mà mỗi tháng ông Hiếu có thu nhập 20 triệu đồng.

Chúng tôi đã đến tìm hiểu cách nuôi dúi của ông Nguyễn Văn Hiếu, 63 tuổi ngụ khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP CầnThơ-người đang được xem là nông dân đầu tiên của đất Tây Đô thực hiện mô hình nuôi dúi trong trang trại.

Ông Nguyễn Văn Hiếu là nông dân đầu tiên ở Cần Thơ nuôi dúi-loài vật vốn có nguồn gốc hoang dã nơi núi rừng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu là nông dân đầu tiên ở Cần Thơ nuôi dúi-loài vật vốn có nguồn gốc hoang dã nơi núi rừng.

Đưa chúng tôi tham quan cơ ngơi nuôi dúi của mình, ông Hiếu kể, trong một lần tình cờ đi tham quan ở tỉnh Lâm Đồng, ông bắt gặp nhiều hộ dân ở đây làm giàu từ việc nuôi dúi. Không bỏ lỡ cơ hội, ông đã hỏi han, ghi nhớ cách nuôi dúi, kinh nghiệm nuôi dúi, kỹ thuật nuôi dúi cũng như lượng được đầu ra cho loài vật nuôi này.

Năm 2013, ông Hiếu đã mua về Cần Thơ 8 con dúi đầu tiên với giá 900.000 đồng/con. Trong 8 con có 6 con dúi cái, 2 con dúi đực. Sau 3 tháng nuôi và phối giống, 6 con dúi cái bắt đầu sinh sản với mỗi lần từ 3 đến 4 con non. Mỗi năm dúi có thể để từ 3-4 lứa. Từ đó nguồn dúi con của gia đình ông Hiếu phát triển rất nhanh và khỏe mạnh...

Ông Hiếu cho biết, thức ăn ưa thích của loài dúi là thân tre già. Từ khi đưa về đồng bằng đất Tây Đô nuôi, ông Hiếu cho đàn dúi ăn thân cây mía đường, thân cây bắp và hạt bắp.

Ông Hiếu cho biết, thức ăn ưa thích của loài dúi là thân tre già. Từ khi đưa về đồng bằng đất Tây Đô nuôi, ông Hiếu cho đàn dúi ăn thân cây mía đường, thân cây bắp và hạt bắp.

Ông Hiếu bật mí một số kinh nghiệm nuôi dúi của mình :“Nuôi dúi phải có chuồng trại đặc biệt kiên cố, thoáng mát, không để ánh nắng chiếu vào thường xuyên. Không cho dúi ăn những củ khoai lang có sùng, nếu ăn phải khoai sùng dúi sẽ chết ngay. Người nuôi không để các loại mèo xâm nhập chuồng dúi vì chúng rất thích ăn thịt dúi...

Về tập tính của loài dúi, ông Hiếu giải thích: "Dúi là loại động vật có nguồn gốc hoang dã nên rất hung dữ, dễ cắn nhau. Đặc biệt, chúng có bộ răng rất dài và sắc nhọn; giỏi đào bới hang để chạy thoát ra khỏi chuồng trại. Vì thế người nuôi dúi phải xây dựng chuồng rất kiên cố...".

Riêng 20 chuồng nuôi dúi của ông Hiếu có diện tích hơn 100m2 đều được ông làm kiên cố, nền đổ xi măng. Về thức ăn của dúi, ông Hiếu đang áp dụng 3 món ăn rất độc, lạ nhưng hiệu quả cao là thân tre già; cây bắp và hạt bắp sấy khô.

Ngoài ra, ông Hiếu còn cho đàn dúi ăn cây mía đường. Mỗi ngày đàn dúi chỉ ăn một lần vào buổi sáng. Vốn là loài hoang dã nên khả năng chống chọi bệnh tật của dúi là rất cao.

Thị trường tiêu thụ dúi của ông Hiếu hiện nay mới chỉ là loanh quanh TP Cần Thơ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng của các nhà hàng. Cạnh đó, nghe tin ông nuôi loài "chuột lạ" nên đã có nhiều nông dân tìm đến mua dúi con để nhân giống.

Hiện nay, ông Hiếu giá bán dúi giống là 450.000-500.000 đồng/con (mỗi con có trọng lượng khoảng 0,4kg); giá dúi thịt là 700.000-750.000 đồng/ký ( mỗi con có trọng lượng từ 1,4-1,5 ký). Bình quân mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, ông Hiếu còn lãi xấp xỉ 20 triệu đồng từ nuôi dúi mà không phải tốn nhiều công chăm sóc.

Dúi vốn là động vật hoang dã sống ở núi rừng, hay ăn tre, nứa, đào hang sâu nên có bộ răng rất sắc.

Dúi vốn là động vật hoang dã sống ở núi rừng, hay ăn tre, nứa, đào hang sâu nên có bộ răng rất sắc.

Một cái hay từ mô hình nuôi dúi của ông Nguyễn Văn Hiếu là ông đã tận dụng nguồn phân dúi pha trộn với đất để bón cho hàng trăm chậu nha đam Mỹ. Những chậu nha đam Mỹ được bón phân dúi phát triển rất xanh tốt. Với giá bán mỗi cây nha đam con là 15.000 đồng; cây trên 5 tháng tuổi là 100.000 đồng (có kèm chậu nhựa), mỗi tháng ông Hiếu đã có thêm từ 5-6 triệu đồng từ nguồn tiền bán nha đam Mỹ mà không phải sử dụng bất kỳ loại phân thuốc nào.

Nhờ nguồn phân dúi, ông Hiếu có thể trồng hàng trăm chậu nha đam Mỹ xanh tốt mà không tốn tiền mua phân.

Nhờ nguồn phân dúi, ông Hiếu có thể trồng hàng trăm chậu nha đam Mỹ xanh tốt mà không tốn tiền mua phân.

Ông Hiếu cho biết : “Tôi chuẩn bị tăng đàn dúi lên gấp đôi và sẽ nuôi thử nghiệm khoảng 20 con chồn hương bởi loại thú này đang rất hút hàng và giá rất cao từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng mỗi ký”.