Thỏ là giống dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường sống.

Thỏ là giống dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường sống.

Từ việc nuôi thỏ, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo do thu nhập khá. Thỏ không chỉ được nông dân vùng đồng bằng nuôi mà nhiều hộ nông dân miền núi, vùng sâu vùng xa nuôi. Nhiều bà con cho biết, thỏ là giống dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường sống, chủ yếu ăn các loại rau củ quả như rau muống, rau khoai lang, cà rốt và các loại cỏ sạch có sẵn ở quê.

Một thanh niên ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã chọn nuôi thỏ để khởi nghiệp. Với số tiền tích cóp được 20 triệu đồng, cùng với vay thêm 30 triệu đồng, anh mua 100 cặp thỏ giống New Zealand. Nhờ khéo léo và vận dụng đúng phương pháp chăn nuôi, chỉ sau 3 tháng, anh đã chọn ra 100 thỏ cái và 20 thỏ đực làm giống, số thỏ còn lại anh bán được gần 20 triệu đồng.

Từ thành công đó, anh cùng gia đình đầu tư tiếp 150 triệu đồng xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi rộng 150 m2 và trồng gần 1 mẫu cỏ Gine Mombasa để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ. Chỉ sau 4 tháng, đàn thỏ mẹ cho ra đời hơn 400 con thỏ con.

“Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm một con thỏ cái có thể sinh sản được 7 lứa, mỗi lứa từ 7 đến 10 con. Sau 3 tháng thả nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2,2 đến 3 kg thì tiến hành xuất bán, với giá từ 80 đến 100.000 đồng/ kg. Đối với thỏ làm giống sau khi tách mẹ đạt 0,6 đến 0,7kg/con thì tôi bán cho các hộ nuôi thỏ xung quanh khu vực với giá từ 150 đến 170 nghìn đồng/cặp”- anh cho biết.

Tuy nhiên, theo anh, tuy không kén ăn nhưng thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch nên hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt. Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng… nên phải tiêm phòng đúng thời điểm để chống bệnh cho thỏ.

Sau 4 năm khởi nghiệp, tới nay anh đã sở hữu một trại thỏ rộng hơn 300 m2, với hơn 500 thỏ sinh sản và 1.000 thỏ thương phẩm gối đầu. Mỗi tháng, trại thỏ nhà anh cung cấp khoảng 1.500 con thỏ giống và 1 tấn thỏ thương phẩm ra thị trường.

Tuy nhiên, để nuôi thỏ thả vườn và nhốt chuồng thu được lợi nhuận kinh tế cao, bà con cũng rất cần nắm được những kĩ thuật chăm nuôi cơ bản. Nếu nuôi thỏ thả vườn thì cần chọn thỏ giống khi biết rõ nguồn gốc bố mẹ, ông bà, tuổi từ 60 ngày trở lên. Và đặc biệt là phải tiêm vaccine đầy đủ cho thỏ con trước khi thả ra vườn.

Khi thả thỏ ra vườn nhớ thả vào mùa hè khi thời tiết hanh khô, tránh những ngày ẩm ướt vì thỏ sẽ rất dễ mắc bệnh. Chủ nuôi cần tạo nơi trú nho nhỏ để thỏ có thể chui vào được. Mỗi lứa nuôi thỏ thả vườn thường kéo dài khoảng 3 tháng.

Với thỏ nuôi nhốt chuồng cần đầu tư vốn ban đầu nhiều hơn so với nuôi thỏ thả vườn, do phải làm chuống trại. Nhưng cách nuôi này mang lại năng suất và lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với nuôi thỏ thả vườn.

Lưu ý, chuồng nuôi thỏ phải bảo đảm vệ sinh thông thoáng và không bị mưa tạt, gió lùa. Nền chuồng nên làm bằng xi măng để dễ dàng vệ sinh. Đối với lồng nuôi, tùy theo diện tích chuồng mà có thiết kế phù hợp. Một lồng nuôi thỏ có chiều dài 0,6 đến 0,7 m, chiều rộng 0,5 đến 0,6m, chiều cao 0,5m. Chân lồng cách mặt đất khoảng 0,5 m. Với diện tích này, có thể nuôi 1 con cái, hoặc 1 con đực, hoặc con cái đang sinh sản. Đối với nuôi thỏ hướng thịt, thì 1m2 có thể nuôi từ 8 đến 10 con.

Thức ăn cho thỏ cần đến từ nguồn sạch sẽ. Không được cắt thức ăn từ những nơi chăn thả gia súc, gia cầm hoặc đọng nước để tránh các bệnh giun sán, xuất huyết ruột. Cũng không được cho thỏ ăn thức ăn đã bị mốc, chua, đã lên men để tránh các bệnh tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi.

Không nên chất thức ăn thô xanh (cỏ, lá) thành đống mà nên trải ra hoặc làm giàn phơi ráo nước mới cho ăn. Có thể làm giàn phơi cỏ khô thật kỹ, bó lại treo lên để dự trữ làm thức ăn vào những ngày mưa.