Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Lam Song

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Lam Song

Mấy ngày trở lại đây, nông dân tại các huyện ngoại thành Hà Nội thường xuyên đốt rơm rạ sau khi thu hoạch xong lúa chiêm xuân, dẫn đến không khí ở khu vực nội thành bị ô nhiễm nặng.

Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết, tại các khu vực nông thôn, sau khi gặt lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và sẽ đốt vào buổi tối. Vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau.

Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau. Tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng bụi mịn PM2.5 vào ban đêm.

Tại khu vực nội thành Hà Nội, dù hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp nhưng trong những ngày gần đây hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào thời gian buổi tối. Một số khu vực diễn ra hoạt động đốt rơm trực tiếp như tại tỉnh Bắc Ninh, hàm lượng bụi mịn rất cao, thậm chí cao hơn khu vực nội thành Hà Nội.

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy tại một số khu vực phía Bắc, chất lượng không khí kém nhất vào đêm ngày 5/6 và sáng 6/6. Tại một số trạm đo chất lượng môi trường không khí, chỉ số AQI đã ở ngưỡng rất xấu.

Mặc dù hàm lượng bụi mịn PM2.5 khá thấp vào thời gian ban ngày nhưng nếu tính theo trung bình ngày (trung bình 24 giờ) thì tại một số trạm thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vẫn vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Hàm lượng bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ cao nhất vào ngày 6/6.

Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm đo chất lượng môi trường không khí ở ngoại thành và ven đô Hà Nội cũng cho thấy mức độ ô nhiễm không khí cao nhất vào ngày 6/6, trong ngày này chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và kém.

Ngoài việc đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh chất ô nhiễm, thì các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí vào ban đêm.

Theo phân tích, trong tháng 6, mặt trời đi qua thiên đỉnh 2 lần tại Hà Nội với cường độ bức xạ mặt trời mạnh nhất trong năm. Ánh sáng từ mặt trời với cường độ lớn rọi vuông góc xuống đất khiến mặt đất bị đốt nóng, sau chập tối khi mặt đất nguội đi vì phát ra bức xạ hồng ngoại, gây nghịch nhiệt sát mặt đất.

Kết hợp với điều kiện lặng gió, do đó các chất ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể phát tán. Ngoài ra, cường độ bức xạ cao gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ việc đốt rơm rạ của người dân ở ngoại thành Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ việc đốt rơm rạ của người dân ở ngoại thành Hà Nội.

Nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, ngày 9/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký Công văn số 3115 đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể như: Tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa; đồng thời yêu cầu các hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài cánh đồng. Xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ sau thu hoạch không đúng quy định.

"Các tỉnh, TP cần xây dựng các dự án, nhiệm vụ hướng dẫn người nông dân triển khai các biện pháp thu gom tối đa, xử lý, chế biến triệt để phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích" - nội dung công văn nêu rõ. Công văn cũng yêu cầu các tỉnh, TP tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại chỉ thị số 03 ngày 18-1 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2021.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên - môi trường tại văn bản số 3051 ngày 7/6. "Cần tập trung xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường, trong đó có quan trắc môi trường không khí thuộc quy hoạch cấp tỉnh, hoàn thành và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện..." - nội dung công văn 3115 nêu rõ.

Bộ TN&MT cũng chỉ đạo Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; chỉ đạo Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường; quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế và tăng cường trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của báo chí, người dân về ô nhiễm môi trường không khí thông qua đường dây nóng của địa phương và Tổng cục Môi trường nhằm kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo Tổng cục Môi trường, trong những ngày tới mùa vụ vẫn chưa kết thúc, nếu không có sự tuyên truyền, quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, hoạt động đốt rơm rạ tự phát sẽ còn xảy ra, thậm chí ô nhiễm không khí có thể diễn biến phức tạp. Do đó, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân cần tiếp tục theo dõi thông tin công bố về chỉ số ô nhiễm không khí AQI để có các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi tối.