Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Thông tin này vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 9/11.

Theo kết luận của Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong năm lưu vực sông ở miền Bắc với 13 điểm ô nhiễm.

Cụ thể, 62% số điểm quan trắc ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho kết quả WQI dưới 50, tương đương mức xấu đến rất xấu, trong đó một nửa chỉ số này dưới 25.

Trên sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm quan trắc cho chỉ số WQI ở mức 10-25. 2 điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10. Chỉ số WQI, dựa trên tổng hòa các yếu tố nhiệt độ và kim loại, quy đổi từ 100 xuống 0. Mức dưới 25, là ô nhiễm rất nặng. Còn mức 10, có nghĩa là nước đã nhiễm độc rồi.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Nguyệt - Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của ô nhiễm được xác định là do nước thải không qua xử lý được xả thẳng xuống sông. Nước thải ở đây bao gồm cả nước thải sinh hoạt, nhưng thứ tạo ra ô nhiễm trầm trọng, tạo ra sự nhiễm độc là nước thải của các làng nghề, đặc biệt là nước thải hoá chất từ làng lụạ.

Tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy đã trầm kha từ rất lâu. Thậm chí, đã từng được đưa ra Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cũng từng thẳng thắn nêu quan điểm là phải xử lý tại nguồn, xử lý bắt đầu từ người gây ô nhiễm, và cả trách nhiệm của các địa phương nhưng trên thực tế tình trạng chưa được cải thiện nhiều.

Tại phiên chất vấn sáng 9/11, trả lời câu hỏi về khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này chưa được khắc phục triệt để; trong đó, khoảng 65% nguồn thải từ Hà Nội.

“Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho vấn đề này. Cụ thể là xây dựng các trạm quan trắc, trồng rừng đầu nguồn, nhưng vấn đề quan trọng nhất là xử lý nguồn thải”. – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường, sắp tới, Bộ trưởng đề nghị giải pháp trước mắt là điều tiết nước thải. Còn lâu dài, phải thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nếu nước thải không bảo đảm thì không cho xả ra. Còn vi phạm thì phải chế tài.