Chiến sự Nga - Ukraine làm nổi bật vai trò dẫn dắt phương Tây của Mỹ

Chiến sự Nga - Ukraine làm nổi bật vai trò dẫn dắt phương Tây của Mỹ

>> Nga suy yếu, lỗi tại Putin hay vì châu Âu?

Sự hồ nghi về khả năng duy trì quyền lực toàn cầu của Mỹ là khó tránh khỏi sau những gì đã xảy ra trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol, nhiều bình luận cho rằng, nền dân chủ kiểu Mỹ đã khủng hoảng. Khi đó, nhiều người cho rằng, Trung Quốc, Nga và thế giới Ả rập có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Trong số các cường quốc hiện nay chỉ có Trung Quốc đủ tiềm lực đối đầu lâu dài với Mỹ. Trên thực tế, Bắc Kinh sau chiến tranh thương mại với Mỹ - đã thay đổi cơ bản các chính sách lớn, nổi bật nhất là quyết tâm của ông Tập Cận Bình nhằm tự chủ về công nghệ. Đặc biệt, phái đoàn Trung Quốc luôn thể hiện khí phách không nhận nhượng Mỹ tại các diễn đàn quốc tế lớn.

Một nước Mỹ được lãnh đạo bởi khuynh hướng chính trị đảng Dân chủ, thiên về kiểm soát nội bộ hơn là biểu trưng quyền lực ở bên ngoài lãnh thổ, chú trọng đa phương hơn độc hành, cần thiết nối lại quan hệ với các tổ chức quốc tế tạo ra hành lang quyền lực. Không ít người đã hồ nghi chính sách của Joe Biden!

Thật trùng hợp, Putin đã chọn thời điểm đầu năm 2022 khi Mỹ vừa ngụp lặn qua mấy đợt dịch bệnh, sau khi Bắc Kinh tổ chức xong Thế vận hội để tấn công Ukraine. Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ ông Putin chọn thời điểm đó để ra tay là vì nghĩ rằng đó là cơ hội tốt để hành động mà Washington chẳng thể làm gì được Nga.

Ngược lại, phương Tây phản ứng mau lẹ, quyết liệt dưới sự “lãnh đạo” phi chính thức của Mỹ, đồng loạt hàng chục quốc gia Âu - Á, rất nhiều tổ chức phi chính trị trên toàn thế giới đã vào cuộc lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Đây là điều mà Kremlin không trù liệu thấu đáo dẫn đến tình thế “tứ bề thọ địch” và vô tình nâng cao vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, cụ thể:

Châu Âu đoàn kết, hợp tác chặt hơn với Mỹ

Châu Âu đoàn kết, hợp tác chặt hơn với Mỹ

Thứ nhất, cuộc chiến Nga - Ukraine giúp tô vẽ lại hình ảnh một nước Mỹ không bao giờ từ chối tham gia ở bất cứ điểm nóng nào trên toàn cầu. Gần 8 thập kỷ qua, Mỹ cũng thường xuyên phản ứng như vậy để cho thấy sức mạnh của cường quốc lãnh đạo thế giới.

Thứ hai, hệ thống đồng minh thân cận - có dấu hiệu rệu rã, mất niềm tin sau khi Mỹ rút khỏi Trung Đông để lại quá nhiều hệ quả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực này. Mỹ đang tham gia bảo vệ châu Âu, cùng các nước này để tìm kiếm lời giải cho nguy cơ khủng hoảng năng lượng, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực. Điều này giúp nâng cao vị thế quốc tế của Mỹ.

Nếu không có chuyến đi của Tổng thống Biden đến châu Âu thì chẳng hề có 15 tỷ m3 khí hóa lỏng giúp “lục địa già” tiến gần hơn cam kết cấm vận dầu khí Nga. Hơn thế nữa, Nhà trắng sẵn sàng lột bỏ chiếc mặt nạ sĩ diện để đàm phán với Venezuela, Iran giúp tăng lưu lượng dầu thô trên thị trường.

Trực diện nhất với cuộc chiến tại Đông Âu, Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine về tiền bạc lẫn khí tài, nhưng quan trọng hơn là “chính phủ quyết chiến Zelensky” được tiếp thêm động lực tinh thần để đối đầu với một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

Thứ ba, Nga đã gián tiếp giúp Mỹ thực hiện cái gọi là “trách nhiệm toàn cầu - bảo vệ hòa bình thế giới”. Dĩ nhiên rồi, một cuộc chiến mà sự lên án lấn lướt phe ủng hộ thì chắc chắn có quá nhiều điểm bất hợp lý. Lần này, chính nước Mỹ đã dẫn đầu phong trào phản chiến, cho dù mục đích sâu xa có thể còn phức tạp hơn thế!