Tập đoàn PAN vừa thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu của Công ty cổ phần Bibica (mã chứng khoán: BBC). Doanh nghiệp này dự kiến mua hơn 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 49,93% vốn điều lệ để nâng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài.

Với giá chào mua 68.500 đồng mỗi cổ phần, PAN cho biết sẽ dùng vốn tự có hoặc các nguồn vốn khác để thực hiện thương vụ trị giá khoảng 530 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện trong vòng 30-60 ngày từ khi Uỷ ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.

Giá chào mua cao hơn so với thị giá của BBC chốt phiên 15/7 là 65.200 đồng/CP. Giá chào mua có thể thay đổi theo quyết định của Chủ tịch HĐQT tại thời điểm đăng ký chào mua công khai với cơ quan có thẩm quyền.

PAN hiện không sở hữu cổ phần Bibica nhưng công ty con của doanh nghiệp này là PAN Food đang là cổ đông lớn nhất với 50,07% vốn. Điều này đồng nghĩa PAN sẽ thâu tóm toàn bộ Bibica nếu đợt chào mua sắp tới thành công. 

Ngoài ra tại BBC còn có cổ đông tổ chức khác là Lotte Confectionery đang sở hữu 44,03% vốn tại Bibica. Như vậy, nếu PAN gom mua thành công lượng cổ phần gần 50% BBC đồng nghĩa với việc Lotte chấp nhận rút lui khỏi doanh nghiệp bánh kẹo Việt. Động thái có thể xem là một giao dịch “thu hồi” thương hiệu Bibica về trọn vẹn trong tay người Việt.

Ngành thực phẩm đồ uống luôn là một trong những ngành vốn thu hút mạnh mẽ các cuộc đầu tư hoặc thâu tóm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn lại trước đó, vào năm 2017, ThaiBev thông qua công ty con Vietnam Beverage đã mua hơn 53,59% vốn Sabeco, doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam với hơn 40% thị phần nội địa.

Trong mảng bán lẻ, Central Group cũng đã chi hơn 1 tỷ USD để sở hữu chuỗi siêu thị Big C và đang mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim…

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, việc các nhà đầu tư ngoại thâu tóm doanh nghiệp trong nước cũng dần bộc lộ những hạn chế, rủi ro đối với việc gìn giữ thương hiệu Việt hay việc phát triển các ngành sản xuất tại Việt Nam. 

Do vậy, những động thái “ngược dòng” như việc Tập đoàn PAN chào mua công khai để sở hữu toàn bộ Bibica được xem là một tín hiệu mới, giúp đa dạng hơn các xu hướng phát triển của các doanh nghiệp Việt.

Được biết, cuộc chiến thâu tóm Bibica bắt đầu từ giữa năm 2012 khi hai nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn liên tiếp chạy đua nâng tỷ lệ sở hữu. Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất, Lotte có tham vọng đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica song bất thành. Từ đó đến nay giữa hai bên xảy ra tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt", tranh chấp nội bộ khiến hoạt động của Bibica rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt thời gian dài.

Năm 2015, hoạt động công ty vào guồng ổn định trở lại khi PAN Food thay nhóm SSI trở thành cổ đông lớn thứ hai với sở hữu 42,3%. Cán cân quyền lực tiếp tục giằng co khi chênh lệch tỷ lệ sở hữu trước đợt chào mua lần này của PAN Food và Lotte chưa đến 0,3%.

Đến tháng 9/2017, PAN Food chào mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu để nắm quyền chi phối Bibica nhưng hai thành viên đại diện phần vốn của Lotte không nêu quan điểm.

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Bibica đã tăng trưởng trở lại nhưng những mâu thẫu giữa 2 nhóm cổ đông lớn vẫn còn hiện hữu.

Mới nhất, tại đại hội cổ đông thường niên 2018, các kế hoạch kinh doanh do HĐQT đề ra đã không được các cổ đông chấp thuận.

Tuy nhiên, với việc một cổ đông trong nước đã nắm trên 50% vốn doanh nghiệp và động thái chào mua công khai của PAN Group, nhiều khả năng nhóm cổ đông này đã đạt thỏa thuận mua lại từ Lotte. Qua đó, trở thành cổ đông duy nhất kiểm soát 100% vốn hãng sản xuất bánh kẹo nổi tiếng này.

Năm 2018, Bibica ghi nhận doanh thu đạt 1.420 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 110 tỷ đồng. Tính bình quân 5 năm gần nhất, doanh thu chỉ đạt mức tăng trưởng 4,8% mỗi năm nhưng lợi nhuận sau thuế lên đến 13%. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay tăng lên 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận tương đương năm ngoái.

Quý I/2019, Bibica ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 296,6 tỷ đồng và 11,8 tỷ đồng, tương đương 18,5% và 11% kế hoạch năm.