Đặc thù ngành công nghiệp xe hơi các nước trên thế giới đã có lịch sử hình thành hàng trăm năm, tạo dựng được uy tín thương hiệu, xây dựng thành công các chuỗi logistics và kênh phân phối giữa các đối tác liên minh được đan xen hỗ trợ nhau rất hiệu quả.

Đặc điểm ngành xe hơi của Nhật Bản được hình thành sau thế chiến thứ II khi đó thị trường xe hơi kỹ thuật còn sơ khai, công nghệ chế tác còn chưa cao nên khi các sản phẩm khả dụng tối thiểu mang đi chạy thử nghiệm đã bị bung xuất các mối hàn.

Nói vậy để thấy cho dù năng lực còn chưa cao nhưng họ vẫn quyết tâm sản xuất xe hơi nhờ đó mà ngày nay họ mới sở hữu một nền công nghiệp xe hơi hiện đại bậc nhất thế giới.

Để đi đến sự thành công như ngày hôm nay một phần là nhờ vào chính sách đồng bộ của chính phủ các tổ chức hiệp hội và đặc biệt là sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng trong nước.

Nhờ khai thác được các lợi thế đó họ đã có chính sách chọn thị trường trọng điểm nội địa làm nơi thử nghiệm và nuôi dưỡng những sản phẩm mới nhằm kiện toàn sản phẩm.

Đồng thời tranh thủ nguồn lực có được từ thị trường nội địa để tiến ra thị trường ở các nước khác với một mô thức khá bài bản là một đặc sản nổi tiếng của Nhật Bản.

Thứ nhất, đó là phân chia thị trường ở nước ngoài giữa các hãng thông qua chiến lược chất lượng tốt hơn các đối thủ cạnh tranh nhờ sử dụng các mô hình kiểm soát chất lượng có thể giúp cho họ tiết giảm chi phí.

Thứ hai, là cạnh tranh bằng giá thấp. Đây là yếu tố tiên quyết cho xe hơi Nhật Bản thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ và sau này là các nước khác trên thế giới.

Lịch sử hình thành nền công nghiệp xe hơi Hàn Quốc có những quan hệ mật thiết với nền công nghiệp xe hơi của Nhật Bản nhờ vào sự thuận lợi địa lý giáp ranh với Nhật Bản. 

Các chính sách phát triển theo chuỗi giá trị của Nhật Bản từ mô hình đàn sếu bay nên Hàng Quốc đã thừa hưởng những thành quả tiến bộ của Nhật Bản và tranh thủ vươn lên ngoạn mục.

Cũng tương tự như trường hợp Nhật Bản ở Hàn Quốc lúc bấy giờ cũng xuất hiện thế hệ các doanh nhân tầm cỡ được gọi là thời đại anh hùng.

Họ có lòng tự tôn dân tộc và mang trong mình hoài bão khát khao xây dựng đất nước cất cánh thành một nước cường quốc về công nghiệp.

Trường hợp quy hoạch sản xuất ô tô của Thái Lan ngay từ đầu họ đã đề ra hai mục tiêu chủ yếu là sản xuất tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hai chiến lược được nêu ra trong quy hoạch của Thái Lan là: Chiến lược tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và có thể dự báo bám sát với nhu cầu thị trường; và Chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất linh phụ kiện ngành ô tô.

Ngành công nghiệp xe ô tô của Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực mới trong ngành xe hơi điện được chính phủ nước này khuyến khích các nhà sản xuất xe hơi trong nước từ rất sớm.

Khoảng mười năm trước, Trung Quốc đã chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ xe điện, xe tự hành.

Với những chính sách hỗ trợ từ chính quyền trung ương, Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược quốc gia để phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới và ứng dụng công nghệ pin với mong muốn nhanh chóng nắm bắt cơ hội vươn lên để trở thành một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc phát triển ứng dụng công nghệ mới, một phần nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm đang thêm trầm trọng ở đất nước này.

Theo CNBC, chính phủ Bắc Kinh đã chi ít nhất 33,4 tỷ nhân dân tệ cho các khoản trợ cấp từ năm 2009 đến 2015, dựa trên báo cáo của Bộ Tài chính.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, số lượng xe sử dụng nguồn năng lượng mới được bán trong năm 2014 đã tăng gấp 4 lần so với năm trước và tiếp tục nhân lên hơn 4 lần trong năm 2015 với con số hơn 330.000 xe.

Trong một động thái mới đây, tờ CNN cho hay hàng loạt các đại gia ngành xe hơi là: Ford, GM, Mercedes Benz, Volkswagen đang có kế hoạch đóng cửa một số nhà máy sản xuất xe hơi truyền thống có động cơ chạy bằng xăng và cắt giảm lao động trong lĩnh vực sản xuất các xe có động cơ đốt trong nhằm tái cấu trúc lại các sản phẩm theo hướng dịch chuyển dần sang sản xuất xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường khác.

Thiết kế cấu kiện bên trong của chiếc xe điện sẽ không phưc tạp bằng các xe truyền thống có sử dụng động cơ đốt trong, hộp số, bộ truyền động, bộ tản nhiệt, ống xả và các bộ phận phức tạp khác do đó sẽ tiết giảm được đáng kể chi phí nhân công lao động.

Cũng từ CNN cho biết, các số liệu ước tính từ Ford và các chuyên gia khác trong ngành, số lượng lao động cần thiết để lắp ráp một xe ô tô điện chỉ chiếm khoảng 30% so với số lao động cần để chế tạo một ô tô truyền thống chạy bằng xăng có hệ thống động cơ, nhiên liệu, hệ thống truyền động, bộ tản nhiệt, ống xả và các bộ phận phức tạp khác.

>>> Mời độc giả đón đọc Bài 3: Thấy gì từ hiện tượng Vinfast?