Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, chiều ngày 2/11, cả nước không có ca mắc mới. Như vậy, tính đến thời điểm đó, đã hơn 2 tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng và đã chữa khỏi 1.065 bệnh nhân trong tổng số 1.192 bệnh nhân COVID-19.

Cũng tại thời điểm chiều ngày 2/11, số ca tử vong do COVID-19 ở nước ta là 35, đều là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, trong đó Đà Nẵng 31 trường hợp, Quảng Nam 3 trường hợp và Quảng Trị 1 trường hợp.

Do tiến hành quyết liệt nên cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta đã đạt hiệu quả tích cực, hạn chế ở mức thấp nhất mức độ lây lan trong cộng đồng cũng như số người tử vong. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia nên chúng ta không thể chủ quan.

COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ ngày 23/1/2020

COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ ngày 23/1/2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Việt Nam phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Bằng sự quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành, các lực lượng quân đội, công an, y tế, truyền thông, các nhà khoa học và người dân… dịch bệnh đã được khoanh vùng, khống chế. Kể từ ca lây nhiễm cuối cùng (ở giai đoạn 1) được phát hiện, thì tính tới 6 giờ ngày 24/7/2020, Việt Nam có được 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

99 ngày - thời gian tạm để cho mọi người dân Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm với công tác phòng chống dịch trên đất nước mình thì bất ngờ chiều tối ngày 24/7/2020, dịch COVID-19 lại bùng phát ở Đà Nẵng, chấm dứt chuỗi 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đất nước lại bước vào giai đoạn mới cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 với bao vất vả, gian nan.

Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã trải qua hơn 2 tháng không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Mừng vì dịch đã được khống chế, nhưng như đã nói ở trên, nguy cơ bùng phát vẫn luôn hiển hiện. 

Tại buổi thảo luận tổ đại biểu Quốc hội sáng 2/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch COVID-19 làm thế giới chững lại, Việt Nam là nước hội nhập sâu nên không ngoài tác động đó.

Còn nhớ, ngay từ ngày đầu bùng phát dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên chống dịch nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, nếu chỉ chống dịch thì không thành công. Do vậy, chúng ta đã có những chỉ đạo khác nhau phù hợp với từng giai đoạn.

Cụ thể, ngay từ sáng mùng 3 Tết Canh Tý, Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng để có phương thức ứng phó, bởi nếu chậm trễ thì rất nguy hiểm. 

Ở đợt bùng phát dịch thứ hai, phương thức chỉ đạo của Chính phủ khác lần thứ nhất, với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn", vừa khoanh lại vùng dịch, vừa triển khai các biện pháp. "Đó cũng là lý do thế giới đánh giá cao cách làm của chúng ta". - Thủ tướng nói.

Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã trải qua hơn 2 tháng không có ca COVID-19 mới. Ảnh: Quốc Tuấn

Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã trải qua hơn 2 tháng không có ca COVID-19 mới. Ảnh: Quốc Tuấn

Diễn biến dịch COVID-19 sẽ còn rất phức tạp, bởi vậy, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chủ quan thì sẽ mắc phải sai lầm rất lớn.

Do tác động của dịch bệnh, ngành dịch vụ du lịch hiện bị tác động thiệt hại nặng nề. "Trong điều kiện bình thường, chúng ta có thể đón 21 triệu khách quốc tế trong năm nay với doanh thu trên 60 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta chấp nhận thiệt hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân, kiểm soát dịch bệnh". - Thủ tướng nói.

Theo ông, với những nhà đầu tư, nhà ngoại giao, nhà quản lý công nhân lành nghề…, Việt Nam tạo điều kiện để nhập cảnh nhưng có sự kiểm soát, cách ly, không vì kinh tế mà bỏ qua việc đề phòng, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Quan điểm này là nhất quán. Sắp tới đây, năm 2021, vẫn cần tiếp tục kiểm soát tình hình mạnh mẽ với COVID-19, không thể chủ quan, lơ là.

Có thể nhận thấy, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời có phương thức quản lý, cách ly phù hợp với các chuyên gia, các nhà quản lý, công nhân lành nghề... với cách làm sáng tạo, nên chúng ta giữ vững được sản xuất. Hiện, Việt Nam là một trong hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng dương.

Trong ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công đạt được đã chỉ ra kể trên, vẫn còn những tồn tại và khó khăn cần khắc phục.

Cụ thể: Năm nay hụt thu gần 200.000 tỷ đồng. Quảng Nam hụt thu gần 4.000 tỷ vì du lịch gần như đóng cửa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng hụt thu lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Một loạt các doanh nghiệp gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là người dân ở đô thị mất việc làm nhiều.

Bên cạnh đó, mặc dù các gói hỗ trợ về lãi suất, hoãn, cơ cấu lại nợ trong ngân hàng được triển khai tốt, nhưng Thủ tướng cho rằng, các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp được triển khai chưa tốt, Chính phủ đã đã sửa đổi quy định, tháo gỡ vướng mắc về điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. 

"Phải có khát vọng tốt hơn, vươn lên chứ không để tình trạng quy mô kinh tế thấp. Được như vậy, nhân dân phải có sự tin tưởng, dồn sức cho phát triển. Thủ tướng khẳng định Nhà nước rất quan tâm đến đời sống nhân dân, gắn với phát triển các ngành trọng điểm để thúc đẩy kinh tế". - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sở Giao thông vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn.

Nhiều tỉnh thành miền Trung thiệt hại lớn trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Tuấn Vỹ

Đối với thảm họa thiên tai, Thủ tướng đánh giá, thiên tai dồn dập vào Việt Nam thời gian qua đã gây thiệt hại lớn tới GDP. "Chính phủ sẽ có chính sách mạnh hơn trong việc hỗ trợ người dân, như hỗ trợ về nhà ở, nhất là với các hộ dân có nhà sập đổ, đặc biệt là biện pháp chăm sóc người bị nạn, tìm người mất tích quyết liệt hơn. Đồng thời, báo cáo Quốc hội các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng bão số 10". - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét lại vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Các công trình đã lấy một ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn trong giải quyết đời sống, nước uống, nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực đó. Nếu chứng minh được sự không nguy hại khi xây dựng thủy điện thì Quốc hội mới thông qua. Còn những công trình thuỷ điện cần phải rất hạn chế. 

Như vậy, trong năm 2020 này, cả đất nước Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế; vừa phải chống tai họa kép là vừa chống COVID-19 vừa ứng phó với thiên tai. Cùng một lúc chúng ta phải gồng minh lên chống chọi với rất nhiều hiểm nguy rình rập. Mừng vì dịch COVID-19 đã được khống chế, nhưng vẫn còn đó nỗi lo về thiên tai, nên hơn lúc nào hết, toàn thể nhân dân Việt Nam phải đoàn kết, không được chủ quan với giặc dịch COVID-19. Đối với thiên tai, các cơ quan liên quan cần có dự báo sớm, có nghiên cứu cụ thể về nguyên nhân gay bão lũ, giải pháp đưa ra nhằm hạn chế thiệt hại về cả người và của cho người dân.